Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Cá tôm – nhà máy – sự tỉnh táo. Bạn chọn gì ?





"Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi”- phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, trưởng phòng văn phòng Formosa tại Hà Nội đã gây nên một cơn bão trong dư luận những ngày vừa qua. Tuy nhiên một câu nói khó có thể khiến người đọc có những hình dung đầy đủ, sau đây chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn trả lời phỏng vấn của ông Chu Xuân Phàm:

“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước Việt Nam. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng. Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.

Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ. Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.

Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của Việt Nam.

Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”.

Về đoạn trả lời của ông Phàm: “nước xả thải là nước ngọt hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên” có một số ý kiến cho rằng đây là điều vô lý, vì ở cửa biển (nơi sông đổ ra biển) vẫn có cá tôm sống. Ý kiến chủ quan của người viết cho rằng nước ở cửa biển là nước lợ, những loại cá tôm sống ở cửa biển là loài nước lợ nên dĩ nhiên không có vấn đề gì. Còn việc Formosa xả thải nước ngọt ra biển,  khiến nước biển tại nơi xả bị lợ, ảnh hưởng đến những loài cá tôm chỉ sống trong môi trường nước mặn là điều đương nhiên.

Quay lại chủ đề chính của bài viết, khoan hãy bàn đến trách nhiệm của Formosa, chiều nay công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước biển, khi ấy chúng ta quy trách nhiệm cho Formosa cũng không muộn, ở đây người viết muốn bàn đến cách nhìn nhận và đánh giá sự việc của cộng đồng mạng Việt Nam.

1.     Vai trò của báo chí trong cơn bão dư luận.

Ngay khi báo chí đưa tin về hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung và sự liên hệ với KCN Vũng Áng, sau đó là ngư dân trong khi lặn đã phát hiện ra đường ống xả thải thì ngay lập cộng đồng mạng Việt Nam dồn mọi sự chú ý đến Formosa. Đồng hành cùng cơn sốt của cư dân mạng là những bài báo lá ngón, đầu độc tâm lý cộng đồng. Những chuyện chả liên quan cũng được gán ghép vào. Từ việc anh thợ lặn từng tham gia quá trình xây dựng cảng chết không rõ nguyên nhân được giật tít thành “thợ lặn của Formosa chết bất thường” do anh làm việc cho công ty Niblec, thi công cảng Sơn Dương thuộc KCN Vũng Áng có công ty Formosa. Cho đến việc ngư dân phát hiện ra ống xả thải bị “mất tích” do anh này đi biển đánh cá, không có sóng nên điện thoại không liên lạc được.  

Cô phóng viên phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm cắt bỏ đoạn trả lời phỏng vấn của ông này, chỉ giữ lại câu nói “chọn cá tôm hay chọn nhà máy”. Khiến cho dư luận hiểu ràng ông này thừa nhận nguyên nhân cá chết là do việc xả thải của Formosa.

Sau đó phóng viên VTC 14 về tận Vũng Áng làm thực nghiệm rằng cá thả vào nước biển trong vòng 2 phút thì chết, phóng sự đăng chưa được bao lâu thì 18 chủ bè nuôi cá ở cảng Vũng Áng, đặc biệt là chủ bè Lý Hộ - người được nhắc đến trong clip thực nghiệm đã phẫn nộ lên tiếng “đây là clip thử nghiệm vu khống, bịa đặt” – Theo phóng viên Dương Quang.

Sáng nay, báo chí rầm rộ đăng tin phát hiện cá chết trôi dạt vào biển Đà Nẵng khiến dư luận dậy sóng ầm ầm, dù chưa xác định rõ những chú cá xấu số kia là cá của người dân sau khi đánh lưới bỏ sót lại hay cá trôi dạt từ đâu vào. Một người bạn của mình đang làm ở Đà Nẵng xác nhận rằng sáng nay đi tập thể dục, bạn có thấy 01 con cá chết trôi dạt vào bờ biển và vài con cá chết khác là của ngư dân bỏ sót lại.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà báo có thực sự công tâm khi đưa tin về sự việc này hay lẩn khuất trong đó là những toan tính về lượt view.

2.     Cách nhìn nhận, đánh giá của cư dân mạng.

Khi chuyện con cá được báo chí đẩy lên đến đỉnh điểm, phản ứng của cộng đồng mạng từ bức xúc chuyển sang tiêu cực. Người ta chuyền tay nhau những bức ảnh cá chết hàng loạt mà không quan tâm nguồn gốc của bức hình. Những bức ảnh được coi là thảm họa môi trường đó vốn xuất phát từ Campuchia, Chile,… nhưng đã được khéo léo lồng vào hiện tượng cá chết ở miền Trung. 

Tiếp theo đó là hình ảnh đường vào KCN Vũng Áng được photoshop ghép thêm hình cột mốc. Thật khó tin khi thời đại công nghệ rồi mà vẫn có hàng nghìn người tin rằng bức ảnh đó là thật và người ta dựng cột mốc ở giữa đường đi. 

Hình ảnh ống cống đang xả thứ nước màu vàng đục xuống biển là ảnh ở Anh quốc được dùng để minh họa cho ống xả của Formosa mà không có bất kỳ chú thích nào.


Lẩn khuất trong dư luận, trong những bài báo là tâm lý bài Trung kịch liệt, tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Trung Quốc – kẻ được coi là kẻ thù truyền kiếp, nhưng dù muốn hay không thì Việt Nam vẫn nằm cạnh Trung Quốc trên bản đồ địa lý. Dù muốn hay không thì chúng ta vẫn phải chơi với những doanh nghiệp Trung Quốc. Mà không chỉ Việt Nam, cả thế giới đều phải chơi với họ. Chúng ta muốn tẩy chay Trung Quốc, nhưng lại không ủng hộ doanh nghiệp trong nước. Tâm lý đố kị, thấy doanh nghiệp Việt Nam nào ăn lên làm ra thì phải ném đá cho đến khi chịu bán cho nước ngoài mới thôi. Cứ như vậy mà đòi “thoát Trung” thì thoát kiểu gì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét