Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.


Vinh, tháng 7/1993
Nhà thơ Văn Hiền



Cúc ơi !

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn.

Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!

Thơ: Yến Thanh

Liệt sĩ: Hồ Thị Cúc

Bình độ 400


Đêm tháng Năm vào bình độ 400
Đoàn xe trôi êm tầm đại bác
Thuốc súng tanh lá rừng kêu xào xạc
Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu

Lắc lư xe quan tài chạy về sau
Máu rỏ xuống đường cuộn vào cát bụi
Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi
Tốp thương binh bê bết máu mặt mày

Đám giặc kia thánh phật dạy ăn chay
Chẳng kiêng gì ngày Rằm mùng Một
Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt
Tưới máu người cướp giữ đất biên cương

Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân
Ông bảo rằng "sống chết thời vận số"
Cả trung đoàn ào ào như thác lũ
Bình độ 400 bình độ trận người

Những chàng trai sống chết trận này ơi
Máu đổ xuống ông trời tuôn nước mắt
Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất
Người trở về ăn, sống, ở ra sao?

Người Việt Nam đang lãng quên quá khứ !


Sống là để hướng đến tương lai nhưng không ai được phép quên quá khứ, bởi không có quá khứ thì không có hiện tại và càng không có tương lai.

-------------------------------------------------

Lịch sử dân tộc Việt Nam là những cuộc trường chinh không ngừng nghỉ. Cuộc chiến tranh nào cũng đẫm máu và đau thương. Với hàng nghìn cuộc chiến lớn nhỏ thời phong kiến, 1000 năm Bắc thuộc, 80 năm chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam….. Những tưởng không ai hiểu rõ giá trị của hòa bình hơn người Việt Nam. Nhưng có lẽ câu này chỉ đúng với những người đã sống trong giai đoạn đất nước chiến tranh hoặc đã trải qua những năm tháng thiếu thốn, khó khăn ấy. Bởi phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay – những người được coi là chủ nhân tương lai của đất nước chỉ coi chiến tranh như một trò đùa . Bởi họ là những người sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong ấm no. Họ không phải trải qua những năm tháng đau thương, khốc liệt của chiến tranh, càng không biết đến những ngày đói khổ cả nước ăn cơm độn ngô, khoai, sắn,… bộ đội đi đánh giặc cũng phải ăn bo bo. Họ không phải chứng kiến sự chết chóc thường trực, không phải sống dưới làn tên mũi đạn nên không hiểu được giá trị của hòa bình..

Khi thanh niên không hứng thú với lịch sử, chúng ta đổ lỗi cho chương trình giáo dục dạy môn lịch sử quá khô khan, cứng nhắc, khiến học sinh không có hứng thú. Đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Lịch sử là thứ không để hiểu được thông qua dạy dỗ, có dạy được không khi bản thân họ không muốn học ? Giờ là thời đại của công nghệ thông tin, hàng nghìn, hàng vạn trang tư liệu về chiến tranh về thảm sát tràn ngập trên mạng, tất cả đều là miễn phí. Nhưng thật đáng buồn, người ta thích xem phim, nghe nhạc hơn là đọc lịch sử, và có đọc thì cũng sẽ đọc những thứ lịch sử đã được cắt gọt và bóp méo trên BBC, RFA, RFI,… bởi tâm lý “báo nước ngoài thì mới khách quan, trung thực”, người ta coi những câu chuyện được viết bằng máu của cha ông, được kể bởi những nhân chứng lịch sử là tuyên truyền sáo rỗng.

Lớp trẻ ngày nay không chỉ lãng quên lịch sử mà còn đòi viết lại lịch sử. Dựa vào đâu ? Dựa vào những cỗ máy truyền thông chống cộng khét tiếng như BBC, RFA, VOA, SBTN,…. Tâm lý sính ngoại đã ngấm vào máu người Việt Nam, sính từ đồ dùng cho đến tư tưởng. Chỉ cần là “báo nước ngoài” nói thì luôn luôn đúng, kể cả đó là một tờ báo lá cái của…. Campuchia. Thật nực cười khi những người Việt Nam lại coi thông tin trên cái thứ “báo nước ngoài” ấy có giá trị hơn những câu chuyện kể của những người đã trực tiếp cầm súng đã vào sinh ra tử ngoài chiến trường.

Chúng ta vẫn giữ được văn hóa và bản sắc của dân tộc mình sau 1000 năm Bắc thuộc, nhưng có lẽ chỉ cần vài chục năm “Tây thuộc”, chúng ta đã tự đồng hóa chính bản thân mình. Lịch sử ngày nay là Kpop, là những câu chuyện cổ tích kiểu Disney hay khoa học viễn tưởng kiểu Hollywood. Có lẽ chỉ vài chục năm nữa, khi thế hệ những người cầm súng chiến đấu trong chiến tranh không còn thì lớp trẻ sẽ tin rằng người Việt Nam được sinh ra bởi người Mỹ. (Xem thêm tại: http://vi.sott.net/article/45-Dong-Nam-A-da-lang-quen-toi-ac-cua-phuong-Tay)

Nhắc lại lịch sử không có nghĩa là khơi gợi thù hận hay mâu thuẫn dân tộc. Mà nhắc lại để thế hệ sau, để những người may mắn được sinh ra trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc hiểu được cái giá của độc lập và tự do. Hòa bình không tự dưng mà có, từng tấc đất dưới chân mỗi chúng ta đều đã thấm đẫm máu của bao người. Cuộc sống ngày hôm nay được xây nên bởi sự hy sinh của những người đi trước. Họ không cần chúng ta phải biết ơn, họ cần chúng ta hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình – thứ được đánh đổi bằng máu và nước mắt.

Người ta bảo chúng ta phải biết khép lại quá khứ, xóa bỏ mọi hận thù để hướng đến tương lai. Và chúng ta đã làm rất tốt điều ấy, không chỉ khép lại quá khứ, chúng ta còn lãng quên lịch sử một cách có chọn lọc và tạo ra một thế hệ chỉ biết hưởng thụ và mơ mộng về những chiếc bánh vẽ không có thật. Lần đầu tiên khi người Mỹ và phương Tây “xoay trục” về Đông Nam Á, họ đã sử dụng Việt Nam làm chiến trường để chống lại Trung Quốc và Liên Xô. Ngày ấy, khi đến đây với tư cách là “những người văn minh đi khai sáng thuộc địa”, họ đã mang theo 45.260 tấn chất độc hóa học, khoảng 338.000 tấn bom na-pan và khoảng 4.707.000 tấn bom đạn không quân (Giai đoạn 1965 – 1973). Lần thứ nhất họ mang theo 400 tỷ USD và bom đạn nhưng không khuất phục được nhân dân Việt Nam, lần “xoay trục” thứ hai này, chỉ với 18 triệu USD (Xem thêm tại:  http://danchuonl.blogspot.com/2015/06/su-tot-bung-ang-ngo.html) cùng những mỹ từ như “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” họ đã kiếm được một lượng fan vô cùng hùng hậu. Xem ra tương lai của Việt Nam đã được định sẵn trên bàn chiến lược của các chính trị gia phương Tây và sẽ được thực hiện bởi máu của người Việt Nam. Một lần nữa, Việt Nam lại trở thành chiến trường để giúp người Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của một Trung Quốc đang ngày càng mạnh. Chỉ có điều lần này thay vì phản kháng thì chúng ta lại phục tùng một cách ngoan ngoãn. (Xem thêm tại: http://danchuonl.blogspot.com/2015/10/my-se-anh-trung-quoc-vi-viet-nam.html)

Người Việt Nam đang ủng hộ Mỹ đánh Trung Quốc bằng…máu của dân tộc mình. Chúng ta đã lãng quên bài học Hoàng Sa 1974 (Xem thêm tại: http://kenhvietnam.blogspot.com/2013/07/vi-sao-trung-quoc-chiem-duoc-hoang-sa.html) Và dĩ nhiên, một cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt (của người Việt Nam) sẽ là cái giá mà chúng ta phải trả cho sự lãng quên ấy. 



  

Mỹ sẽ đánh Trung Quốc vì Việt Nam ?


Khi nước Mỹ đột ngột xoay trục trở lại châu Á với những hành động quyết liệt như điều tàu chiến vào biển Đông, thề non hẹn biển sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hứa hẹn tặng tàu tuần tra, chào mời vũ khí,…. đã khiến cho nhiều người tin rằng Mỹ sẽ vì Việt Nam mà tiến hành chiến tranh với Trung Quốc. Liệu kịch bản ấy có thể xảy ra không ? Không đâu, vì đời vốn không như mơ mà.

Mỹ - Trung là 2 cường quốc lớn, cả về kinh tế lẫn quân sự. Xưa nay không hề có việc động binh trực tiếp giữa các nước lớn mà chủ yếu thông qua chiến trường là những nước nhỏ. Với tình hình hiện nay, nếu xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc thì đó sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân, và khi ấy thế giới sẽ không có ai còn sống để chứng kiến ai thắng, ai thua. Cứ cho rằng người Mỹ muốn chiến tranh với Trung Quốc đi, lính Mỹ sẽ đánh nhau với lính Trung Quốc ư ? Không đâu, nếu xảy ra chiến tranh thì sẽ là cuộc chiến Việt – Trung. Còn nước Mỹ sẽ làm gì ? Người Mỹ sẽ đứng ngoài, có thể là bán vũ khí cho cả hai hoặc chờ đến khi cuộc chiến gần ngã ngũ thì nhảy vào đánh hôi, sau đó là ăn chia chiến lợi phẩm (lặp lại kịch bản của chiến tranh thế giới thứ 2)

Trong nhiều cuộc gặp, nhiều bài phát biểu với báo chí, các quan chức Mỹ đều thể hiện một quan điểm “cứng rắn” rằng nước Mỹ quan ngại với các hành động của Trung Quốc. Nói thì vậy thôi chứ thực tế Trung Quốc vẫn vừa là bạn hàng, vừa là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nước Mỹ có dám cấm vận Trung Quốc hay đưa ra yêu cầu kiểu như “anh phải ngừng các hoạt động trái phép ở biển Đông thì chúng tôi mới tiếp tục làm ăn với các anh” không ? Không đâu. Mỹ sẽ không vì một Việt Nam bé nhỏ mà từ bỏ thị trường 1,3 tỷ dân béo bở này đâu. Những động thái nghe có vẻ “cứng rắn” của Mỹ (tuyên bố, điều tàu chiến, máy bay trinh sát vào biển Đông) thực chất chỉ là một chiêu kích động để các nước nhỏ hung hăng ra trận, đối đấu trực tiếp với Trung Quốc mà thôi. Bởi trước khi tuyên bố chính sách xoay trục “trở lại châu Á” năm 2009, bản thân Washington đã giữ thái độ nước đôi về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong một thời gian dài. Mãi đến tháng 5/2009, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton trả lời báo Australia về tin tức Trung Quốc gợi ý “chia đôi Thái Bình Dương” với Mỹ rằng: “Chúng tôi cũng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ can dự. Chúng tôi là một cường quốc xuyên Thái Bình Dương cũng như một cường quốc xuyên Đại Tây Dương… Chúng tôi muốn Australia cũng như các nước khác biết rằng Mỹ sẽ không nhượng lại Thái Bình Dương cho bất kỳ ai”.

Còn nhớ khi cuộc chiến tranh Việt Nam tiến vào giai đoạn khốc liệt nhất, ngày 17/02/1972 Tổng thống R. Nixon rời Mỹ đến Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một giải pháp để kéo nước Mỹ thoát khỏi hố lầy Việt Nam trong danh dự, 10 ngày sau đó bản Thông cáo chung Thượng Hải được ra đời, trong đó có 3 điểm liên quan đến Việt Nam:
1.            Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương; đổi lại, Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc phối hợp chống "bá quyền" Liên Xô.
2.            Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam; đổi lại, Hoa Kỳ giảm dần đi đến triệt thoái các căn cứ quân sự và quân đội Hoa Kỳ ở Đài Loan.
3.            Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ giữ nguyên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không ủng hộ việc thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam sau khi có hiệp định hòa bình; đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế Thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan.

Bản thông cáo này có thể hiểu đơn giản là từ nay Trung Quốc sẽ không can dự vào những gì Mỹ làm ở Việt Nam và ngược lại.

Sau khi được Trung Quốc “bật đèn xanh”, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, Mỹ trở mặt và cho mở chiến dịch Linebacker II, mà ta gọi là Trận Điện Biên Phủ trên không, bằng cách dùng máy bay ném bom B-52 rải thảm suốt 12 ngày đêm nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác. Có đi có lại, Trung Quốc không can thiệp vào việc Mỹ ném bom hòng đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá thì Mỹ cũng không can thiệp vào chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974. Ngày ấy tất cả các hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương đều được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa, đưa thông tin tình báo giả hòng phóng đại lực lượng của Trung Quốc. Và đã có một sức ép “vô hình” nào đó khiến cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không dám đưa F5 ra tái chiếm Hoàng Sa dù khi ấy với “không lực đứng thứ 4 thế giới”, VNCH thừa sức đưa hải quân Trung Quốc xuống biển chơi với Long Vương.

Lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách là “đồng minh” của chính quyền VNCH, Mỹ ngầm “bán” Hoàng Sa cho Trung Quốc. Lần “trở lại châu Á” này phải chăng nước Mỹ đang muốn “bán” nốt quần đảo còn lại hay muốn “chia đôi Thái Bình Dương” với Trung Quốc ?



Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

CỔ TÍCH THIẾU PHỤ ĐIÊN



Có một thiếu phụ điên
Bốn mươi năm nắm bàn tay không mở,
Bốn mươi năm lầm lùi đi qua các chợ
Chỉ xoè bàn tay phải ra xin.
*
Giữa chổ đông chỉ độc thoại một mình
Phố vạn cây chỉ tìm cây săng lẻ
Cái sự này vô tình hay cố ý:
Khi ngủ đặt tay lên phía trái tim ?
*
Thích chải đầu bím trái đào hai bên,
Thức dậy đúng năm giờ rưỡi sáng
Mảnh gương vỡ cứ giữ soi làm dáng
Bước ra đường theo nhịp hành quân.
*
Bốn mùa mang quân phục cũ màu xanh
Thiếu phụ điên yêu hoa bằng lăng tím
Thấy xe qua, hoa chùm hoa bịn rịn
Rồi nắc nẻ cười hồn nhiên vô tư…
*
Chiếc võng đôi và bánh lương khô
Thiếu phụ điên chỉ dùng một nửa
Một nửa đêm về đỏ lửa
Thắp hương nguyện cầu cho hồn tha hương...
*
Những đêm trăng sáng tỏ sân đình
Thiếu phụ điên mở bàn tay ra ngắm
Cứ săm soi bồn chồn tìm kiếm
Rồi khóc oà, tan vỡ cả đêm trăng.
*
Người lính già kể lại câu chuyện tình
Thuở đất nước gồng mình đánh giặc
Có một chàng trai trước giờ ra trận
Ghi vội hòm thư vào bàn tay người yêu...
*
Anh ra đi và ngã xuống giữa rừng chiều
Hoà bình bốn mươi năm chưa tìm được mộ
Để một người điên, nắm bàn tay không mở
Sợ niềm tin cuối cùng theo gió bay đi...



Thơ: Tống Phước Trị

Cam Ranh - Khánh Hòa - Chuyện bắt đầu từ đâu ? (Tiếp)

       Trước những sự việc đã xảy ra ở vịnh Cam Ranh trong những ngày vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng các dự án nạo vét luồng lạch thực chất là cho phép các công ty vào khai thác cát để bán. Các công ty này đã "khai thác điên cuồng" dẫn đến ô nhiễm môi trường nên nhân dân mới phản đối chứ họ không có ý định chống đối, ngăn cản các dự án phục vụ nhu cầu an ninh - quốc phòng. Nhưng thực tế thì sao ?

        4 - 5 năm trước đây các đơn vị, doanh nghiệp làm nhiệm vụ nạo vét cát tại các cửa biển để khơi thông luồng lạch thường xuất khẩu cát nạo vét được để bù chi phí. Cát thu được từ việc nạo vét, khơi thông luồng lạch là cát nhiễm mặn, cát này hoàn toàn khác với loại cát được khai thác ở sông. Trong nước không có nhu cầu sử dụng cát này hoặc có nhưng rất ít. Vì vậy ở thời điểm ấy phần lớn cát nhiễm mặn được xuất khẩu ra nước ngoài. Việc xuất khẩu cát nhiễm mặn là để bù lại phần nào chi phí khơi thông luồng lạch bởi thực tế chi phí nạo vét cát ở những nơi này lớn hơn so với lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu cát.

     Hơn nữa từ tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn 8176/VPCP-KTN chỉ đạo dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn từ tháng 6/2010. Đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 16/11/2009 được tiếp tục thực hiện đến ngày 30/6/2010. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30/6/2010, cát nhiễm mặn là mặt hàng bị cấm xuất khẩu dưới mọi hình thức.

     Với 3260km đường bờ biển, chúng ta đâu có thiếu cát đến mức phải khai thác cát ở khu vực quân sự trọng yếu. Vì vậy hoàn toàn không có căn cứ để nói rằng các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đang diễn ra tại vịnh Cam Ranh thực chất là khai thác cát để bán.

     Mặt khác, từ tháng 12/2014, có hai dự án nạo vét cát trong đầm Thủy Triều (phần trong của Vịnh Cam Ranh) được triển khai thi công, đó là Dự án nạo vét luồng phục vụ thi công Dự án cải tạo môi trường sinh thái đầm Thủy Triều, do Cty Cổ phần Xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh làm chủ đầu tư và Dự án nạo vét mở rộng, hạ độ sâu và điều chỉnh hướng luồng vào cảng vật liệu và cảng tàu cá Vùng 4 Hải quân, do Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép làm chủ đầu tư.

     Chưa có kết luận điều tra chính thức về việc tôm, cá của người dân chết là do ô nhiễm nguồn nước bởi các hoạt động nạo vét hay chết do ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc nuôi trồng không có kế hoạch hợp lý. Với 2 dự án nạo vét cùng được tiến hành thì càng không có gì để khẳng định rằng hoạt động nạo vét luồng lạch trong vùng quân sự là nguyên nhân gây chết tôm, cá. Người dân liên tục phản đối, gây khó dễ cho việc thi công của công ty Cái Mép - đơn vị thi công công trình quân sự. Dù rằng vùng mà công ty này được thi công là khu vực mặt nước ở sâu trong Vùng 4 Hải quân, cách xa khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân từ 800 đến 1.500m.

       Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rõ ràng rằng khu vực quân sự, khu vực thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị quân đội để đảm bảo an ninh, quốc phòng là những không gian riêng, ai không phận sự thì không được xâm phạm. Những nơi này có thể cấm quay phim, chụp ảnh, cấm tụ tập đông người gây rối. Nếu bất cứ cá nhân, công dân nào có hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự những nơi này thì người thực hiện nhiệm vụ có quyền nổ súng để bảo vệ mục tiêu, khu vực quân sự. Việc sử dụng vũ lực trong trường hợp này được pháp luật cho phép. Trong trường hợp ở Cam Ranh những ngày vừa qua, bộ đội hoàn toàn có thể dùng vũ lực để giải tán người dân, thậm chí có quyền nổ súng. Tuy nhiên bộ đội đã không làm vậy, bởi vì quân đội Việt Nam là Quân đội Nhân dân. Dưới những cơn mưa gạch đá và bom xăng, những người lính chỉ có thể lái tàu chạy vòng quanh để tránh né. Việc đưa lực lượng quân đội ra vịnh không chỉ là để bảo vệ đơn vị thi công mà còn là để đảm bảo tiến độ công trình, bởi mỗi ngày công trình chưa xong là một ngày tàu quân sự gặp khó khăn khi ra vào vịnh.

        Người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần gạt chữ tình sang 1 bên để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật. Khu vực quân sự cần phải được phân định rõ ràng và cấm tuyệt đối những người không có nhiệm vụ hoặc không liên quan. Để từ giờ trở đi không còn cảnh các tàu quân sự mỗi khi ra vào vịnh vừa phải luồn lách qua các bè nuôi vừa phải tránh các siêu thuyền câu neo bừa bãi.


       Hình ảnh: Để đảm bảo an toàn dưới những cơn mưa gạch đá, bộ đội hải quân tham gia bảo vệ đơn vị thi công phải đội mũ sắt thay vì mũ rằn ri hay mũ dải.



Cam Ranh - Khánh Hòa - Chuyện bắt đầu từ đâu ?

Cam Ranh là một cảng nước sâu tự nhiên, có vị trí địa - chính trị quan trọng, là niềm mơ ước của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới. Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và cấp thiết về an ninh - quốc phòng, từ tháng 12/2014, dự án nạo vét mở rộng, hạ độ sâu và điều chỉnh hướng luồng vào cảng vật liệu và cảng tàu cá Vùng 4 Hải quân, do Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi công.

Sau 4 tháng thi công, đến giữa tháng 4/2015, trước những kiến nghị của nhân dân các phường Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam và Cam Nghĩa (thành phố Cam Ranh) về việc tôm, cá chết nhiều. Sáng 21/4, ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép và Cty Cổ phần Xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh - 2 đơn vị đang tiến hành thi công. Tại cuộc họp này UBND thành phố Cam Ranh đã chỉ đạo chủ dự án phối hợp với cơ quan chức năng xác định phạm vi, ranh giới để thả phao định vị, xác định vị trí vùng ảnh hưởng của dự án; thông báo cho người dân biết phạm vi ranh giới dự án, kiểm đếm tất cả lồng, bè và phương tiện trong vùng dự án, đồng thời yêu cầu Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Cam Ranh trong ngày 22/4 phải trình kế hoạch lấy mẫu nước đầm để giám định nguyên nhân cá, tôm chết. Qua đó, xây dựng và công khai phương án hỗ trợ người dân; giám sát phương tiện, thiết bị, tiến độ, thời gian thực hiện dự án; xây dựng phương án nạo vét cụ thể và mời người dân chứng kiến.

Thực hiện chỉ đạo trên, 2 đơn vị thi công đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lên kế hoạch, đồng thời thông báo công khai cho dân biết. Theo đó, từ ngày 25 đến 27-5, đơn vị thi công tiến hành thả phao để xác định vùng nạo vét. Sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với các bên liên quan kiểm kê số lượng lồng bè bị ảnh hưởng để hỗ trợ di dời. Ngày 20-6, kết thúc việc di dời để đơn vị thi công tiếp tục việc nạo vét.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thả phao định vị, một số người dân đã cố tình chống đối, gây cản trở đơn vị thi công. Thậm chí người dân còn xô xát với cả lực lượng của Vùng 4 Hải quân. Cuối tháng 5, khi Công ty Cái Mép thả phao nhựa để xác định ranh giới đã bị người dân ngăn cản và cắt bỏ. Trước tình hình trên, đơn vị thi công buộc phải thay phao nhựa bằng phao sắt, khi thả phao sắt phải nhờ đến lực lượng Vùng 4 Hải quân hỗ trợ. Tổng phí cho việc thả phao lên đến hơn 600 triệu đồng. Ngày 3/7, có 26 phao sắt được thả nhưng chỉ sau một ngày, hàng loạt phao sắt đã bị đâm thủng và làm chìm. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Hơn 1 tháng công trình bị trì trệ là hơn 1 tháng các tàu quân sự gặp khó khăn khi di chuyển vào quân cảng Cam Ranh.

Đến tháng 7-2015 UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với UBND TP Cam Ranh chỉ đạo, yêu cầu TP. Cam Ranh lên phương án đền bù, hỗ trợ di dời xong mới tiếp tục thi công. Tại cuộc họp ngày 10-7-2015, khi Vùng 4 Hải quân đề nghị các cơ quan chức năng cho phép Công ty CP Đầu tư Cái Mép nạo vét trở lại trong khu vực vùng nước của vùng quản lý, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nếu xác định tính cấp bách của dự án, không ảnh hưởng đến vùng nuôi thủy sản của người dân, Vùng 4 Hải quân được toàn quyền quyết định việc cho phép thi công.

Tuy nhiên đến sáng 29-9, khi một số phương tiện của đơn vị thi công nạo vét luồng lạch trong khu vực mặt nước thuộc Vùng 4 Hải quân thì người dân đã ra ngăn cản. Vì đây là vùng nước quân sự và các phương tiện thi công cho công trình quốc phòng nên Vùng 4 Hải quân đã đưa lực lượng đến bảo vệ công trình.

Theo đại diện của Vùng 4 Hải quân, thời điểm đó có khoảng 60 ghe chở theo khoảng 200 người dân ra ngăn cản các phương tiện thi công. Họ đã lăng mạ và ném gạch đá về phía lực lượng Vùng 4 Hải quân. Đồng thời, tổ chức nhiều ghe áp sát các xuồng quân đội, dùng chai chứa xăng đốt, ném lên tàu kéo và xuồng của quân đội; ném gạch đá làm vỡ kính tàu kéo và xuồng cao tốc. Trong lúc quá khích, nhiều người còn dùng vật nhọn tấn công các chiến sĩ hải quân. Nhằm tránh xảy ra đụng độ, lực lượng quân đội cho phương tiện chạy vòng quanh, song các ghe này vẫn tiếp tục tấn công. Trong quá trình đuổi theo lực lượng Hải quân, 2 ghe của ngư dân va vào tàu kéo nên bị chìm. Tính đến chiều 30-9, đã có 2 bộ đội bị thương.

Tối 29-9, sau khi gây rối với lực lượng quân đội, một số người dân ở phường Cam Phúc Bắc đã tung tin đồn nhảm bộ đội húc chìm ghe của dân, làm 1 người mất tích. Từ thông tin này, một số đối tượng đã kích động người dân kéo nhau ra quốc lộ chặn xe, gây ách tắc giao thông, mất trật tự công cộng.

Ngay trong chiều 30-9, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức họp khẩn để bàn phương án xử lý. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Việc người dân ra ngăn cản thi công là không đúng, trái với quy định của pháp luật, gây hấn với lực lượng quân đội lại càng sai, bởi việc nạo vét trong vùng nước Hải quân thuộc sự quản lý của quân đội. Dự án này nhằm mục đích quân sự nên phải thực hiện”. Cũng theo ông Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, UBND thành phố đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để đền bù hỗ trợ nhưng người dân không hợp tác. “Đây là dự án phục vụ an ninh quốc phòng nên dứt khoát phải tiến hành. Nếu người dân không hợp tác sẽ bị cưỡng chế di dời. Trước mắt, UBND TP. Cam Ranh chỉ đạo cơ quan công an làm rõ những đối tượng gây rối để có hình thức xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, sẽ tăng cường tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu và hợp tác để dự án được tiến hành” - ông Sơn nói.

Có điều gì đó không bình thường ở vụ việc này ?

Có bình thường hay không khi người ta bất chấp mọi cách giải quyết để chống chính quyền bằng được? Có bình thường hay không khi các phao neo đánh dấu vị trí dự án liên tục bị phá hoại? Có bình thường không khi giữa lúc nước sôi lửa bỏng lại có tin đồn thất thiệt rằng có người mất tích để kích động, kéo dân chúng ra ngăn đường Quốc lộ, vây trường, không cho con đi học ?

Kể từ khi triển khai dự án, chính quyền các cấp từ tỉnh đến TP. Cam Ranh đã lắng nghe nguyện vọng của người dân Cam Phúc Bắc, đã tìm mọi cách để giải quyết các kiến nghị của người dân sao cho vừa có lý vừa có tình. Nhưng có vẻ như thiện chí này đã không được đáp lại và càng ngày, sự việc càng bị đẩy lên cao, những phản ứng ngày càng thái quá và vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật. Chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nhưng với việc người dân sử dụng những vũ khí sắc nhọn và nguy hiểm như chai xăng thì khó có thể nói trước được điều gì. Dĩ nhiên, bộ đội không bao giờ chống lại dân, nhưng dân thì đã tấn công bộ đội.

Mong sao lúc này, tất cả mọi người hãy bình tĩnh và hành xử theo pháp luật. Tôm chết, cá chết, dù vì lý do gì thì cũng là thiệt hại kinh tế, đau buồn, bức xúc cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng không thể nhân danh sự bức xúc ấy để làm càn, càng không thể nhân danh nó để làm ảnh hưởng đến các mục tiêu an ninh - quốc phòng. Người dân có quyền giận dữ, giận thì cứ giận nhưng đừng vì giận quá mà vô tình trở thành công cụ trong tay kẻ khác. Bởi theo tìm hiểu của cơ quan điều tra Vùng 4 Hải quân và Công an TP. Cam Ranh thì kể từ khi dự án được khởi công, đã có khoảng 8 đến 20 đối tượng chuyên đứng ra kích động người dân trong vùng dự án chống đối việc nạo vét vịnh Cam Ranh. Những hộ gia đình nào đồng ý nhận tiền đền bù và di dời khỏi vùng dự án lập tức bị những đối tượng này phá lồng bè, đe dọa.

Ảnh: tàu kéo hải quân bị tấn công bởi gạch đá và chai xăng.