Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Cam Ranh - Khánh Hòa - Chuyện bắt đầu từ đâu ?

Cam Ranh là một cảng nước sâu tự nhiên, có vị trí địa - chính trị quan trọng, là niềm mơ ước của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới. Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và cấp thiết về an ninh - quốc phòng, từ tháng 12/2014, dự án nạo vét mở rộng, hạ độ sâu và điều chỉnh hướng luồng vào cảng vật liệu và cảng tàu cá Vùng 4 Hải quân, do Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi công.

Sau 4 tháng thi công, đến giữa tháng 4/2015, trước những kiến nghị của nhân dân các phường Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam và Cam Nghĩa (thành phố Cam Ranh) về việc tôm, cá chết nhiều. Sáng 21/4, ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép và Cty Cổ phần Xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh - 2 đơn vị đang tiến hành thi công. Tại cuộc họp này UBND thành phố Cam Ranh đã chỉ đạo chủ dự án phối hợp với cơ quan chức năng xác định phạm vi, ranh giới để thả phao định vị, xác định vị trí vùng ảnh hưởng của dự án; thông báo cho người dân biết phạm vi ranh giới dự án, kiểm đếm tất cả lồng, bè và phương tiện trong vùng dự án, đồng thời yêu cầu Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Cam Ranh trong ngày 22/4 phải trình kế hoạch lấy mẫu nước đầm để giám định nguyên nhân cá, tôm chết. Qua đó, xây dựng và công khai phương án hỗ trợ người dân; giám sát phương tiện, thiết bị, tiến độ, thời gian thực hiện dự án; xây dựng phương án nạo vét cụ thể và mời người dân chứng kiến.

Thực hiện chỉ đạo trên, 2 đơn vị thi công đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lên kế hoạch, đồng thời thông báo công khai cho dân biết. Theo đó, từ ngày 25 đến 27-5, đơn vị thi công tiến hành thả phao để xác định vùng nạo vét. Sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với các bên liên quan kiểm kê số lượng lồng bè bị ảnh hưởng để hỗ trợ di dời. Ngày 20-6, kết thúc việc di dời để đơn vị thi công tiếp tục việc nạo vét.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thả phao định vị, một số người dân đã cố tình chống đối, gây cản trở đơn vị thi công. Thậm chí người dân còn xô xát với cả lực lượng của Vùng 4 Hải quân. Cuối tháng 5, khi Công ty Cái Mép thả phao nhựa để xác định ranh giới đã bị người dân ngăn cản và cắt bỏ. Trước tình hình trên, đơn vị thi công buộc phải thay phao nhựa bằng phao sắt, khi thả phao sắt phải nhờ đến lực lượng Vùng 4 Hải quân hỗ trợ. Tổng phí cho việc thả phao lên đến hơn 600 triệu đồng. Ngày 3/7, có 26 phao sắt được thả nhưng chỉ sau một ngày, hàng loạt phao sắt đã bị đâm thủng và làm chìm. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Hơn 1 tháng công trình bị trì trệ là hơn 1 tháng các tàu quân sự gặp khó khăn khi di chuyển vào quân cảng Cam Ranh.

Đến tháng 7-2015 UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với UBND TP Cam Ranh chỉ đạo, yêu cầu TP. Cam Ranh lên phương án đền bù, hỗ trợ di dời xong mới tiếp tục thi công. Tại cuộc họp ngày 10-7-2015, khi Vùng 4 Hải quân đề nghị các cơ quan chức năng cho phép Công ty CP Đầu tư Cái Mép nạo vét trở lại trong khu vực vùng nước của vùng quản lý, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nếu xác định tính cấp bách của dự án, không ảnh hưởng đến vùng nuôi thủy sản của người dân, Vùng 4 Hải quân được toàn quyền quyết định việc cho phép thi công.

Tuy nhiên đến sáng 29-9, khi một số phương tiện của đơn vị thi công nạo vét luồng lạch trong khu vực mặt nước thuộc Vùng 4 Hải quân thì người dân đã ra ngăn cản. Vì đây là vùng nước quân sự và các phương tiện thi công cho công trình quốc phòng nên Vùng 4 Hải quân đã đưa lực lượng đến bảo vệ công trình.

Theo đại diện của Vùng 4 Hải quân, thời điểm đó có khoảng 60 ghe chở theo khoảng 200 người dân ra ngăn cản các phương tiện thi công. Họ đã lăng mạ và ném gạch đá về phía lực lượng Vùng 4 Hải quân. Đồng thời, tổ chức nhiều ghe áp sát các xuồng quân đội, dùng chai chứa xăng đốt, ném lên tàu kéo và xuồng của quân đội; ném gạch đá làm vỡ kính tàu kéo và xuồng cao tốc. Trong lúc quá khích, nhiều người còn dùng vật nhọn tấn công các chiến sĩ hải quân. Nhằm tránh xảy ra đụng độ, lực lượng quân đội cho phương tiện chạy vòng quanh, song các ghe này vẫn tiếp tục tấn công. Trong quá trình đuổi theo lực lượng Hải quân, 2 ghe của ngư dân va vào tàu kéo nên bị chìm. Tính đến chiều 30-9, đã có 2 bộ đội bị thương.

Tối 29-9, sau khi gây rối với lực lượng quân đội, một số người dân ở phường Cam Phúc Bắc đã tung tin đồn nhảm bộ đội húc chìm ghe của dân, làm 1 người mất tích. Từ thông tin này, một số đối tượng đã kích động người dân kéo nhau ra quốc lộ chặn xe, gây ách tắc giao thông, mất trật tự công cộng.

Ngay trong chiều 30-9, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức họp khẩn để bàn phương án xử lý. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Việc người dân ra ngăn cản thi công là không đúng, trái với quy định của pháp luật, gây hấn với lực lượng quân đội lại càng sai, bởi việc nạo vét trong vùng nước Hải quân thuộc sự quản lý của quân đội. Dự án này nhằm mục đích quân sự nên phải thực hiện”. Cũng theo ông Sơn, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, UBND thành phố đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để đền bù hỗ trợ nhưng người dân không hợp tác. “Đây là dự án phục vụ an ninh quốc phòng nên dứt khoát phải tiến hành. Nếu người dân không hợp tác sẽ bị cưỡng chế di dời. Trước mắt, UBND TP. Cam Ranh chỉ đạo cơ quan công an làm rõ những đối tượng gây rối để có hình thức xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, sẽ tăng cường tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu và hợp tác để dự án được tiến hành” - ông Sơn nói.

Có điều gì đó không bình thường ở vụ việc này ?

Có bình thường hay không khi người ta bất chấp mọi cách giải quyết để chống chính quyền bằng được? Có bình thường hay không khi các phao neo đánh dấu vị trí dự án liên tục bị phá hoại? Có bình thường không khi giữa lúc nước sôi lửa bỏng lại có tin đồn thất thiệt rằng có người mất tích để kích động, kéo dân chúng ra ngăn đường Quốc lộ, vây trường, không cho con đi học ?

Kể từ khi triển khai dự án, chính quyền các cấp từ tỉnh đến TP. Cam Ranh đã lắng nghe nguyện vọng của người dân Cam Phúc Bắc, đã tìm mọi cách để giải quyết các kiến nghị của người dân sao cho vừa có lý vừa có tình. Nhưng có vẻ như thiện chí này đã không được đáp lại và càng ngày, sự việc càng bị đẩy lên cao, những phản ứng ngày càng thái quá và vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật. Chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nhưng với việc người dân sử dụng những vũ khí sắc nhọn và nguy hiểm như chai xăng thì khó có thể nói trước được điều gì. Dĩ nhiên, bộ đội không bao giờ chống lại dân, nhưng dân thì đã tấn công bộ đội.

Mong sao lúc này, tất cả mọi người hãy bình tĩnh và hành xử theo pháp luật. Tôm chết, cá chết, dù vì lý do gì thì cũng là thiệt hại kinh tế, đau buồn, bức xúc cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng không thể nhân danh sự bức xúc ấy để làm càn, càng không thể nhân danh nó để làm ảnh hưởng đến các mục tiêu an ninh - quốc phòng. Người dân có quyền giận dữ, giận thì cứ giận nhưng đừng vì giận quá mà vô tình trở thành công cụ trong tay kẻ khác. Bởi theo tìm hiểu của cơ quan điều tra Vùng 4 Hải quân và Công an TP. Cam Ranh thì kể từ khi dự án được khởi công, đã có khoảng 8 đến 20 đối tượng chuyên đứng ra kích động người dân trong vùng dự án chống đối việc nạo vét vịnh Cam Ranh. Những hộ gia đình nào đồng ý nhận tiền đền bù và di dời khỏi vùng dự án lập tức bị những đối tượng này phá lồng bè, đe dọa.

Ảnh: tàu kéo hải quân bị tấn công bởi gạch đá và chai xăng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét