Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Mỹ sẽ đánh Trung Quốc vì Việt Nam ?


Khi nước Mỹ đột ngột xoay trục trở lại châu Á với những hành động quyết liệt như điều tàu chiến vào biển Đông, thề non hẹn biển sẽ sát cánh cùng Việt Nam, hứa hẹn tặng tàu tuần tra, chào mời vũ khí,…. đã khiến cho nhiều người tin rằng Mỹ sẽ vì Việt Nam mà tiến hành chiến tranh với Trung Quốc. Liệu kịch bản ấy có thể xảy ra không ? Không đâu, vì đời vốn không như mơ mà.

Mỹ - Trung là 2 cường quốc lớn, cả về kinh tế lẫn quân sự. Xưa nay không hề có việc động binh trực tiếp giữa các nước lớn mà chủ yếu thông qua chiến trường là những nước nhỏ. Với tình hình hiện nay, nếu xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc thì đó sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân, và khi ấy thế giới sẽ không có ai còn sống để chứng kiến ai thắng, ai thua. Cứ cho rằng người Mỹ muốn chiến tranh với Trung Quốc đi, lính Mỹ sẽ đánh nhau với lính Trung Quốc ư ? Không đâu, nếu xảy ra chiến tranh thì sẽ là cuộc chiến Việt – Trung. Còn nước Mỹ sẽ làm gì ? Người Mỹ sẽ đứng ngoài, có thể là bán vũ khí cho cả hai hoặc chờ đến khi cuộc chiến gần ngã ngũ thì nhảy vào đánh hôi, sau đó là ăn chia chiến lợi phẩm (lặp lại kịch bản của chiến tranh thế giới thứ 2)

Trong nhiều cuộc gặp, nhiều bài phát biểu với báo chí, các quan chức Mỹ đều thể hiện một quan điểm “cứng rắn” rằng nước Mỹ quan ngại với các hành động của Trung Quốc. Nói thì vậy thôi chứ thực tế Trung Quốc vẫn vừa là bạn hàng, vừa là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nước Mỹ có dám cấm vận Trung Quốc hay đưa ra yêu cầu kiểu như “anh phải ngừng các hoạt động trái phép ở biển Đông thì chúng tôi mới tiếp tục làm ăn với các anh” không ? Không đâu. Mỹ sẽ không vì một Việt Nam bé nhỏ mà từ bỏ thị trường 1,3 tỷ dân béo bở này đâu. Những động thái nghe có vẻ “cứng rắn” của Mỹ (tuyên bố, điều tàu chiến, máy bay trinh sát vào biển Đông) thực chất chỉ là một chiêu kích động để các nước nhỏ hung hăng ra trận, đối đấu trực tiếp với Trung Quốc mà thôi. Bởi trước khi tuyên bố chính sách xoay trục “trở lại châu Á” năm 2009, bản thân Washington đã giữ thái độ nước đôi về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong một thời gian dài. Mãi đến tháng 5/2009, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton trả lời báo Australia về tin tức Trung Quốc gợi ý “chia đôi Thái Bình Dương” với Mỹ rằng: “Chúng tôi cũng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ can dự. Chúng tôi là một cường quốc xuyên Thái Bình Dương cũng như một cường quốc xuyên Đại Tây Dương… Chúng tôi muốn Australia cũng như các nước khác biết rằng Mỹ sẽ không nhượng lại Thái Bình Dương cho bất kỳ ai”.

Còn nhớ khi cuộc chiến tranh Việt Nam tiến vào giai đoạn khốc liệt nhất, ngày 17/02/1972 Tổng thống R. Nixon rời Mỹ đến Bắc Kinh nhằm tìm kiếm một giải pháp để kéo nước Mỹ thoát khỏi hố lầy Việt Nam trong danh dự, 10 ngày sau đó bản Thông cáo chung Thượng Hải được ra đời, trong đó có 3 điểm liên quan đến Việt Nam:
1.            Trung Quốc cam kết không can thiệp quân sự vào Đông Dương; đổi lại, Hoa Kỳ cam kết cùng Trung Quốc phối hợp chống "bá quyền" Liên Xô.
2.            Trung Quốc chấp nhận kiềm chế Việt Nam; đổi lại, Hoa Kỳ giảm dần đi đến triệt thoái các căn cứ quân sự và quân đội Hoa Kỳ ở Đài Loan.
3.            Trung Quốc chấp nhận để Hoa Kỳ giữ nguyên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, không ủng hộ việc thành lập chính phủ liên hiệp ở miền Nam sau khi có hiệp định hòa bình; đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ Trung Quốc giữ ghế Thành viên cố định tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thay thế Đài Loan.

Bản thông cáo này có thể hiểu đơn giản là từ nay Trung Quốc sẽ không can dự vào những gì Mỹ làm ở Việt Nam và ngược lại.

Sau khi được Trung Quốc “bật đèn xanh”, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, Mỹ trở mặt và cho mở chiến dịch Linebacker II, mà ta gọi là Trận Điện Biên Phủ trên không, bằng cách dùng máy bay ném bom B-52 rải thảm suốt 12 ngày đêm nhằm huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác. Có đi có lại, Trung Quốc không can thiệp vào việc Mỹ ném bom hòng đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá thì Mỹ cũng không can thiệp vào chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974. Ngày ấy tất cả các hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương đều được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa, đưa thông tin tình báo giả hòng phóng đại lực lượng của Trung Quốc. Và đã có một sức ép “vô hình” nào đó khiến cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không dám đưa F5 ra tái chiếm Hoàng Sa dù khi ấy với “không lực đứng thứ 4 thế giới”, VNCH thừa sức đưa hải quân Trung Quốc xuống biển chơi với Long Vương.

Lần đầu tiên đến Việt Nam với tư cách là “đồng minh” của chính quyền VNCH, Mỹ ngầm “bán” Hoàng Sa cho Trung Quốc. Lần “trở lại châu Á” này phải chăng nước Mỹ đang muốn “bán” nốt quần đảo còn lại hay muốn “chia đôi Thái Bình Dương” với Trung Quốc ?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét