Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Cam Ranh - Khánh Hòa - Chuyện bắt đầu từ đâu ? (Tiếp)

       Trước những sự việc đã xảy ra ở vịnh Cam Ranh trong những ngày vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng các dự án nạo vét luồng lạch thực chất là cho phép các công ty vào khai thác cát để bán. Các công ty này đã "khai thác điên cuồng" dẫn đến ô nhiễm môi trường nên nhân dân mới phản đối chứ họ không có ý định chống đối, ngăn cản các dự án phục vụ nhu cầu an ninh - quốc phòng. Nhưng thực tế thì sao ?

        4 - 5 năm trước đây các đơn vị, doanh nghiệp làm nhiệm vụ nạo vét cát tại các cửa biển để khơi thông luồng lạch thường xuất khẩu cát nạo vét được để bù chi phí. Cát thu được từ việc nạo vét, khơi thông luồng lạch là cát nhiễm mặn, cát này hoàn toàn khác với loại cát được khai thác ở sông. Trong nước không có nhu cầu sử dụng cát này hoặc có nhưng rất ít. Vì vậy ở thời điểm ấy phần lớn cát nhiễm mặn được xuất khẩu ra nước ngoài. Việc xuất khẩu cát nhiễm mặn là để bù lại phần nào chi phí khơi thông luồng lạch bởi thực tế chi phí nạo vét cát ở những nơi này lớn hơn so với lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu cát.

     Hơn nữa từ tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn 8176/VPCP-KTN chỉ đạo dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn từ tháng 6/2010. Đối với các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 16/11/2009 được tiếp tục thực hiện đến ngày 30/6/2010. Như vậy có nghĩa là sau ngày 30/6/2010, cát nhiễm mặn là mặt hàng bị cấm xuất khẩu dưới mọi hình thức.

     Với 3260km đường bờ biển, chúng ta đâu có thiếu cát đến mức phải khai thác cát ở khu vực quân sự trọng yếu. Vì vậy hoàn toàn không có căn cứ để nói rằng các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đang diễn ra tại vịnh Cam Ranh thực chất là khai thác cát để bán.

     Mặt khác, từ tháng 12/2014, có hai dự án nạo vét cát trong đầm Thủy Triều (phần trong của Vịnh Cam Ranh) được triển khai thi công, đó là Dự án nạo vét luồng phục vụ thi công Dự án cải tạo môi trường sinh thái đầm Thủy Triều, do Cty Cổ phần Xây dựng và phát triển Môi Trường Xanh làm chủ đầu tư và Dự án nạo vét mở rộng, hạ độ sâu và điều chỉnh hướng luồng vào cảng vật liệu và cảng tàu cá Vùng 4 Hải quân, do Cty Cổ phần Đầu tư Cái Mép làm chủ đầu tư.

     Chưa có kết luận điều tra chính thức về việc tôm, cá của người dân chết là do ô nhiễm nguồn nước bởi các hoạt động nạo vét hay chết do ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc nuôi trồng không có kế hoạch hợp lý. Với 2 dự án nạo vét cùng được tiến hành thì càng không có gì để khẳng định rằng hoạt động nạo vét luồng lạch trong vùng quân sự là nguyên nhân gây chết tôm, cá. Người dân liên tục phản đối, gây khó dễ cho việc thi công của công ty Cái Mép - đơn vị thi công công trình quân sự. Dù rằng vùng mà công ty này được thi công là khu vực mặt nước ở sâu trong Vùng 4 Hải quân, cách xa khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân từ 800 đến 1.500m.

       Pháp luật Việt Nam cũng đã quy định rõ ràng rằng khu vực quân sự, khu vực thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị quân đội để đảm bảo an ninh, quốc phòng là những không gian riêng, ai không phận sự thì không được xâm phạm. Những nơi này có thể cấm quay phim, chụp ảnh, cấm tụ tập đông người gây rối. Nếu bất cứ cá nhân, công dân nào có hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự những nơi này thì người thực hiện nhiệm vụ có quyền nổ súng để bảo vệ mục tiêu, khu vực quân sự. Việc sử dụng vũ lực trong trường hợp này được pháp luật cho phép. Trong trường hợp ở Cam Ranh những ngày vừa qua, bộ đội hoàn toàn có thể dùng vũ lực để giải tán người dân, thậm chí có quyền nổ súng. Tuy nhiên bộ đội đã không làm vậy, bởi vì quân đội Việt Nam là Quân đội Nhân dân. Dưới những cơn mưa gạch đá và bom xăng, những người lính chỉ có thể lái tàu chạy vòng quanh để tránh né. Việc đưa lực lượng quân đội ra vịnh không chỉ là để bảo vệ đơn vị thi công mà còn là để đảm bảo tiến độ công trình, bởi mỗi ngày công trình chưa xong là một ngày tàu quân sự gặp khó khăn khi ra vào vịnh.

        Người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần gạt chữ tình sang 1 bên để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật. Khu vực quân sự cần phải được phân định rõ ràng và cấm tuyệt đối những người không có nhiệm vụ hoặc không liên quan. Để từ giờ trở đi không còn cảnh các tàu quân sự mỗi khi ra vào vịnh vừa phải luồn lách qua các bè nuôi vừa phải tránh các siêu thuyền câu neo bừa bãi.


       Hình ảnh: Để đảm bảo an toàn dưới những cơn mưa gạch đá, bộ đội hải quân tham gia bảo vệ đơn vị thi công phải đội mũ sắt thay vì mũ rằn ri hay mũ dải.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét