Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

NẾU TÔI LÀM TỔNG THỐNG !

Thấy thiên hạ xôn xao chuyện bầu tổng thống. Tự thấy mình thừa khả năng nên tôi đây cũng xin đứng ra ứng cử. Nếu trúng cử chức tổng thống, tôi sẽ đảm bảo một nhà nước trong sạch, mọi quyền lợi của công dân đều được đảm bảo tuyệt đối bằng những việc sau:

1.     Còn pháp luật nghĩa là tự do chưa tuyệt đối. Tôi mà làm tổng thống. Tôi dẹp hết. Không cần pháp luật với hiến pháp gì hết. Ai thích làm cứ gì làm, đi đâu cứ đi, ghét thằng nào thì cứ chửi. Đấy, tôi đã đảm bảo cho quý vị quyền tự do tuyệt đối luôn, không "nhà dân chủ", "dâm chủ" nào phải kêu ca tự do ở truồng, à quên, tự do trong chuồng nữa nhé.

2.     Các vị bảo quân đội không bảo vệ được biển đảo. Thế thì tôi sẽ dẹp luôn quân đội. Chia vũ khí cho dân. Mỗi người 1 khẩu súng. Sau này có chiến tranh thì súng có rồi đấy, tự cầm lấy mà bắn chứ còn chờ đợi gì nữa. Sướng nhé, thế là các vị sẽ được "chiến đấu" và thể hiện "nòng iêu lước" theo cách của riêng mình rồi nhé.


3.     Tôi sẽ giải tán ngành công an luôn. Từ giờ ra đường khỏi lo gặp cảnh sát giao thông nữa nhé, cũng không cần đội mũ bảo hiểm. Ai thích kẹp 3 cứ kẹp. Buôn ma túy mà nhanh giàu thì cứ buôn. Thế cho nó tự do. Nhỉ ?

4.     Bệnh viên quá tải à, bác sĩ hách dịch à ? Thế thì tôi sẽ cho giải tán bộ y tế, dẹp hết bệnh viện công luôn. Thích nhé, không còn cảnh quá tải, không phải chen chúc, càng không lo vắc xin có vấn đề. Tôi sẽ cho mở bệnh viện tư thoải mái, ai thích mở cứ mở. Ở đấy khách hàng à quên bệnh nhân là thượng đế, chất lượng nghìn sao luôn. Đắt á ? Chê đắt thì đừng có bệnh nữa. Thế thôi.


5.     Tôi sẽ không cho xây dựng bất kỳ cái gì nữa, khỏi lo rút ruột công trình. Ai cần cái gì thì tự xây cái đấy. Tôi sẽ giải phóng ngân sách quốc gia, chia đều cho mọi người, cũng không ai phải nộp thuế nữa. Khỏi phải lo "tiền thuế của tui đi đâu".

6.     Tôi sẽ giải tán bộ công thương, thằng nào mạnh thì nhảy vào lập công ty. Quý vị sẽ được tự do, thích mua điện, nước, xăng, thực phẩm.... của ai thì mua, còn bán giá như thế nào là việc của nó.


7.     Giáo dục bây giờ "bất lực" rồi. Tôi sẽ dẹp luôn bộ giáo dục, khỏi trường với lớp gì nữa. Nhà nào giàu thì cho con ra nước ngoài mà học, nhà nào vừa thì học trường quốc tế, còn nghèo... nghèo á, thôi khỏi học. Đấy, thế là các vị được tự do lựa chọn, con các vị không còn phải chịu "áp lực học hành" hay cái lọ cái chai gì nữa nhé.


Tạm thời tôi mới nghĩ ra 7 việc này và hứa sẽ bổ xung thêm sau khi nhậm chức.

Túm lại váy lại là : tự do tuyệt đối, các thể loại quyền tuyệt đối. Đấy chẳng phải 1 cuộc sống mà các vị hằng mơ ước sao. Thế thì còn ngần ngại gì nữa mà không bầu cho tôi. Số báo danh 007. Mại dzô, mại dzô....

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Đừng nhét chữ vào mồm trẻ con !


Cộng đồng mạng xôn xao về clip học sinh lớp 8 phát biểu "Giáo dục Việt Nam không cần cải cách nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng". Thật sự thì vụ việc này chẳng có gì đáng bàn. Em là một công dân, em có quyền phát biểu ý kiến và suy nghĩ của em. Nhưng những lời em nói, thật sự nó không có gì mới mẻ, chỉ là em dùng những từ ngữ nặng nề hơn (dù chưa chắc em đã hiểu hết những điều mình nói) để nói những điều tương tự mà báo chí đã viết. Hay nói cách khác thì em chỉ lặp lại những gì em đọc được. Người ta bảo nhân tài thì không đợi tuổi, tuy nhiên em mới chỉ là một học sinh lớp 8, có nghĩa là tính đến thời điểm hiện tại em mới đi học được 7 năm + vài ngày. Với "7 năm kinh nghiệm" ngồi trên ghế nhà trường của mình thì em vẫn còn quá nhỏ để nhận xét "những cải cách từ xưa đến nay không đạt được kết quả gì".

Chúng ta không phủ nhận giáo dục Việt Nam còn nhiều yếu kém, cần phải cải cách. Mà nhóm Cánh Buồm là một nhóm đi tiên phong, bao gồm nhiều bạn trẻ có tâm huyết, say mê nghiên cứu về giáo dục với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho nền giáo dục Việt Nam. Đó là những điều quý giá, đáng trân trọng. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ cũng mới chỉ nằm trên giấy, chưa đi vào cuộc sống và nói thẳng ra là chưa được kiểm nghiệm trên thực tế để khẳng định rằng nó là sự "cải tiến" hay "cải lùi". Hơn nữa những vấn đề của cuốn sách do nhóm Cánh Buồm soạn thảo đã vấp phải nhiều phản biện của các nhà khoa học. Vì vậy để nói "Giáo dục Việt Nam có thể đi theo đường lối của nhóm Cánh Buồm" thì e rằng hơi sớm.

Đất nước cần những người dám mạnh dạn phát biểu ý kiến như em. Ý kiến của em cần được lắng nghe và tiếp thu, nhưng tung hô thì có lẽ là hơi quá. Những trường hợp như em không thiếu. Và người ta mượn lời các em để ném đá giấu tay cũng nhiều. Trước em còn có rất nhiều em khác làm cả vlog, clip,... với lời lẽ rất hùng hồn. Nhưng khi gạch đầu dòng liệt kê ý, thì những nội dung tuyên bố đó gần y chang nhau. Tệ hơn là cái được cho là giải pháp ấy, chỉ là những mẩu thông tin vụn vặt tìm hiểu qua loa đại khái. Các em có tâm, điều ấy rất đáng hoan nghênh nhưng nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại. Bên cạnh cái tâm, các em cần có kiến thức về những thứ mình sẽ nói. Phê phán rất dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng tìm giải pháp để khắc phục thì đâu có dễ.

Tôi tin rằng những người làm trong ngành giáo dục thừa biết những vấn đề nội tại của ngành. Và cũng nhiều người đang loay hoay tìm giải pháp lâu nay rồi. Từ việc đầu tư sách, vở, dành thời gian đọc tài liệu, kinh nghiệm giảng dạy thực tế, chia sẻ trong cộng đồng sư phạm,... Những người làm trong ngành biết nhiều hơn những gì họ nói. Họ biết được những ràng buộc nào khiến cho việc triển khai ý tưởng này thì không được, triển khai ý tưởng khác thì ổn hơn. Và khi phê phán thì họ phê phán đúng trọng điểm và chỉ ra được cách khắc phục. Có lẽ cách phê phán của họ không làm người ta cảm thấy "sướng cái lỗ tai" nên dù là giáo sư, tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhưng lại không được quan tâm và biết đến bằng một cậu học sinh lớp 8.

Như chia sẻ của nhà báo Đức Hiển: "Mình xem cái clip về cậu học trò lớp 8 nói về giáo dục vì nhiều người share nó quá. Có bạn còn bảo: "đến trẻ con nó còn nhìn ra sự thối nát của ngành giáo dục mà sao quan chức không nhìn ra?", "Đất nước về đâu khi quan chức ấu trĩ và đầu đất như thế?".Mình không share vào đây vì mình ớn ghê cả răng. Mình ghê răng không phải vì cái ngành giáo dục "thối nát". Mình ghê bởi sự hả hê đầy cơ hội của người lớn. Họ hân hoan khi một cậu học trò nhỏ hơn con nhà mình nói một điều hợp khẩu vị chửi của họ và dùng nó làm đá, làm đạn để bắn ném vào nơi họ cần công kích."

Sau những phát ngôn của em, có lẽ ông Phạm Toàn, ông Nguyễn Huệ Chi (đồng chủ trang Bauxite Việt Nam - trang blog đăng tải nhiều bài viết chống phá nhà nước Việt Nam) cùng một vài vị "nhân sĩ trí thức" hoạt động trong "Làng dân chủ Việt là những kẻ ha hê nhất. Đây cũng là những người luôn mơ ước về một cuộc cách mạng màu nhằm biến Việt Nam trở thành một Ukraina, bất ổn như Lybia hoặc bạo loạn như Ai Cập. Còn gì hả hê hơn khi một cậu nhóc đứng lên nói về "cách mạng", với sự chia sẻ chóng mặt của cộng đồng mạng, họ có căn cứ để tin rằng đây sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng màu sắp tới ở Việt Nam.


Cuối cùng, xin mượn lời của nhà báo Đức Hiển thay cho lời kết "Giáo dục của ta đầy khiếm khuyết, không có nghĩa là một ông oắt có thể nói vơ đũa như đúng rồi rằng nó thối nát. Nếu đó là suy nghĩ thật của cậu bé, thì những người lớn bình tĩnh và có trách nhiệm với trẻ con cần nói cho cậu hiểu nói thế là vội vã, là không được. Vì còn quá nhiều điều cậu chưa đủ hiểu để mà nói với nội dung ấy, thái độ ấy. Vỗ tay, trước tiên là sự thoả mãn hằn học của người lớn, thứ nữa là "giết chết" trẻ con. Khi nó không hiểu hết mà vẫn quen phán xét cả hệ thống giáo dục và được cổ vũ, thì nó không thấy cần phải học hành gì ở cái nền giáo dục "thối nát" ấy. Mà khi học trò không thèm học cũng không muốn nghe thầy cô, chưa nói đến kiến thức, nó đã tự cho mình cái quyền đứng ra ngoài các quy chuẩn và quy luật ứng xử chung và văn minh. Thế thì đời nó về đâu ?"

Ảnh của Tôi yêu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

ĐIỂM CỘNG !


Kỳ thi tuyển sinh đại học đang ở vào giai đoạn nóng hơn bao giờ hết khi vị trí trên bảng xếp hạng thay đổi từng ngày, từng giờ. Thí sinh hồi hộp, người nhà lo lắng còn cộng đồng mạng thì rực lửa với những luồng quan điểm trái chiều về cái gọi là điểm cộng hay còn gọi là điểm ưu tiên.
Như chúng ta đã biết, học sinh nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, con thương bệnh binh, liệt sĩ, gia đình chính sách…được cộng điểm khuyến khích khi thi đại học, số lượng điểm cộng tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng thí sinh. Tôi khẳng định đây là một chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước. Đây không phải là “điểm ban ơn”, hay “lễ hội tri ân, event ban phát ân huệ với SỐ LƯỢNG LỚN”, nó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là lá lành đùm lá rách.
Bạn bảo rằng kỳ thi đại học là để tuyển chọn nhân tài vì vậy cần phải công bằng. Nhưng có công bằng không khi bạn nhìn vào một vài thành phần tiêu cực để đánh giá toàn bộ thí sinh được cộng điểm. Bạn có công bằng không khi lấy khó khăn của thành phố rồi mang ra so sánh với khó khăn của vùng cao. Rất đồng ý với bạn rằng không có con đường nào trải thảm đỏ, học sinh thành phố cũng có khó khăn, cũng có học sinh nghèo vượt khó, cũng có người phải lăn lộn mưu sinh, nhưng số ấy chiếm bao nhiêu phần trăm. Thành phố cũng có khó khăn, nhưng có khó khăn bằng những học sinh vùng cao không ? Bạn có trung tâm này, lò luyện kia, có gia sư này, có học thêm kia, còn họ có gì ? 14 tuổi rời gia đình đi học nội trú ở những căn chòi dựng tạm, với một buổi đi học, một buổi vào rừng kiếm măng. Những em bé đi 4 tiếng đồng hồ đường rừng núi (nếu trời mưa thì…ôi thôi) với cái cặp lồng toàn cơm trắng với măng rừng. Những thầy cô giáo mỗi tuần 1 lần băng rừng vượt núi, đi cả ngày đường xuống xuôi để mua gạo, mua thịt cho học sinh. Những phòng học lớp lá trống huơ trống hoác vài bộ bàn ghế cũ mèm cùng những bộ sách vỏ được tặng giờ đã không thể nát hơn vì đã trải qua không biết bao nhiêu đời học sinh. Vào mùa đông, những tấm phên nứa không ngăn được những gió lạnh vùng sơn cước len lỏi vào từng lớp học, thầy trò phải đốt lửa giữa lớp để sưởi ấm…. Chất lượng dạy và học ở đó so với thành phố như thế nào chắc bạn đã tự hình dung ra được.
Vùng cao cũng có “đại gia phố núi”, vậy tôi hỏi bạn, số lượng đại gia ấy được mấy người mà bạn mang ra so sánh ? Bạn bảo rằng khi bố A cầm súng ra chiến trường, bố bạn cũng ở nhà lao động, đóng góp nuôi tiền tuyến. Không ai quên công sức đóng góp của hậu phương nhưng bạn có biết để bố bạn ở nhà yên tâm lao động (và rồi sau này sinh ra bạn) thì bố A đang hứng đạn ở ngoài kia, rất có thể bác ấy sẽ không bao giờ về nữa, hoặc về với thân thể không còn lành lặn. Sống với một người cha khỏe mạnh, đầy đủ hạnh phúc hay sống cảnh mồ côi hạnh phúc ? Rồi bạn so sánh cùng được 23 điểm, nhưng bạn trượt, người ta đỗ vì bạn không có điểm cộng còn người ta có. Nói thật với bạn, ở thành phố, dù là nhà bạn nghèo nhưng với cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục ở thành phố mà đi thi chỉ bằng điểm của những đứa học sinh vùng cao phải vừa học vừa làm trong điều kiện không thể tồi tàn hơn thì bạn cũng chẳng có cái tài cán gì.
Diện tích Việt Nam có ¾ là đồi núi, nhưng dân tộc Kinh chiếm tới hơn 80% dân số, và dĩ nhiên dân cư tập trung ở đồng bằng, đô thị, vùng núi, vùng cao, biên cương chỉ có dân tộc thiểu số. Vậy bạn dựa vào số liệu gì để khẳng định ¾ thí sinh đi thi được cộng điểm ? Thôi đừng tị nạnh với những người kém may mắn hơn mình, trong số những thí sinh bạn đang chỉ trích, có rất nhiều người là học sinh vùng cao, chính họ và gia đình họ đang góp phần ngày đêm bảo vệ biên cương tổ quốc. Trong số những thí sinh bạn đang chỉ trích, bố bạn ấy là thương binh 81%, bác ấy đã để lại nhiều phần cơ thể mình nơi chiến trường để cho bạn ngày hôm nay được sống trong hòa bình độc lập, còn bạn ấy vừa đi học, vừa kiếm tiền nuôi gia đình, làm trụ cột thay bố. Và biết đâu, nếu không cầm súng bảo vệ quê hương, không bị thương thì giờ này bác ấy đã là một doanh nhân thành đạt và bạn ấy cũng không phải khổ như bây giờ. Đừng so bì với những người kém may mắn hơn mình, nếu bạn thực sự giỏi với điều kiện học tập ở thành phố, bạn hãy xuất sắc hơn hẳn người ta, để người ta dù có được cộng vài điểm cũng đuổi không kịp bạn.
Tiêu cực là có, chuyển vùng, chuyển sang dân tộc thiểu số, làm giả giấy tờ chứng nhận thương binh cũng có, nhưng chính phủ, nhà nước mà cụ thể hơn là bộ giáo dục sẽ phải đề ra phương án để khắc phục để đảm bảo công bằng giữa thành phố, nông thôn và vùng cao. Và nếu không thể khắc phục được, tôi nghĩ bạn nên kiến nghị năm tới nên bỏ điểm cộng và chuyển địa điểm thi về vùng cao để các bạn "thành phố" nếm trải cảm giác chật vật đi thi, được cắm trại ngoài bờ ruộng, bìa rừng, rồi sáng sáng ăn củ mì đi thi vì ở đó có tiền cũng chẳng có đồ mà mua đâu. Ok vậy nha ?

NHỤC TẬP THỂ !


Việt Nam có lẽ là dân tộc thú vị nhất thế giới. Trong chiến tranh người ta có thể đoàn kết cùng nhau, chiến đấu cùng nhau, thậm chí là hy sinh vì nhau. Trong gian khó người ta có thể nỗ lực cùng nhau, "miếng cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng". Còn trong hiện tại thì người ta lại...nhục cùng nhau. Nghĩa là một người cảm thấy nhục thì nhiều người khác cũng thấy....nhục theo.
Mới đây bài viết của 1 du khách Việt phản ánh Ngôi nhà Việt Nam ở Expo 2015 là "làm nhục quốc thể" đã nhận được sự chia sẻ và đồng tính lớn từ cộng đồng mạng. Dù chưa từng đặt chân đến, thậm chí còn không biết Expo 2015 là cái gì nhưng nhiều người vẫn cứ cùng nhau lên đồng trong cái công cuộc nhục tập thể. Từ cô hoa hậu đeo dải tên quốc gia bị viết sai chính tả, du khách Việt bị lừa ở Singapore đến anh vận động viên chào cờ trong trang phục thi đấu....đều là "làm nhục quốc thể". Phải chăng giờ đây "nhục" đã trở thành một phong trào ?
Quay lại sự kiện Ngôi nhà Việt Nam ở Expo 2015, cá nhân người viết chưa từng đến đó và mới chỉ được xem hình ảnh và thông tin từ báo chí nên không dám nói nó đẹp hay nó xấu, nó tốt hay không tốt. Việc du khách nọ đã đến, đã chứng kiến nên có thể nói những gì mà họ cảm nhận được. Vậy còn những "cộng đồng mạng" kia, họ dựa vào cái gì để nhận xét ?
Có một ý kiến rất hay cho rằng "Người Việt Nam đến thăm nhà triển lãm Việt Nam ở Expo và ngay lập tức chê "Nhục quốc thể ". Còn các bạn Tây, đối tượng phục vụ chính, nghĩ sao, thì không thấy ai hỏi gì cả... Khi các bạn Tây có thể xếp hàng chờ hàng giờ liền để vào thăm nhà triển lãm Việt Nam thì " Người Việt Nam" lại phá hàng với lý do chỉ có 1 ngày ở triển lãm, vội. Khi các bạn Tây vui lòng tự lấy đồ ăn tại quầy (take away) thì Người Việt Nam lại bắt bẻ nhân viên phải phục vụ tận bàn (theo cách ở VN í ) Vậy quốc thể ở đây là gì ? Nhục hay ko nhục ?
Cơ mà, các bạn trẻ giờ dễ nhục thật. Việt Nam là 1 trong 5 nhà triển lãm được khách thăm quan khen ngợi và là điểm đến đông nhất. Các báo chí nước ngoài thì ca ngợi giữa một rừng nhà triển lãm các nước toàn bê tông cốt thép mà nhà triển lãm Việt Nam lại làm bằng tre, rất thân thiện với môi trường và hợp chủ đề. Trung bình có bốn nghìn khách thăm nhà triển lãm mỗi ngày. Chưa từng thấy một vị khách nào nói điều không tốt về nhà triển lãm, họ ngưỡng mộ khi thấy kiến trúc, chú ý tìm hiểu về lịch sử các đồ trưng bày, xúc động khi ngồi gần một tiếng để xem những tiết mục nghệ thuật dân tộc. Và đồ ăn Việt Nam là một trong những thứ họ trông đợi nhất. Chỉ với 300 mét vuông mà nhà triển lãm trưng bày được tất cả những đồ vật qua những niên đại lịch sử của Việt Nam, những đồ trưng bày làm từ chất liệu sơn mài, đất, gỗ và nhất là những nhạc cụ dân tộc cũng toàn bằng tre nứa, đàn đá.. Đồng nhất với nhà tre của triển lãm, quần áo mà các bạn nói là của Tàu khựa chính là trang phục dân tộc Tày. Có phải cứ chất một đống đồ cho nhiều, cho lớn thì mới là làm triển lãm ko ạ ?"
Quy định ở Expo về vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ nghiêm ngặt. Các nhân viên bếp phải tham dự một khóa học sau đó thi lấy có chứng chỉ vệ sinh do Ý cấp. Ở đây không được nấu phở, tráng bánh vì khói. Mọi đồ ăn phải take away, nhanh gọn. Các nước Thái, Trung còn đóng hộp và cho vào lo vi sóng quay. Người viết chưa sang đó, chưa từng ăn ở đó nên không thể nói nó ngon hay không. Tuy nhiên khẩu vị của mỗi người mỗi khác, người này thấy ngon người kia thấy dở. Huống chi khẩu vị Đông - Tây lại càng khác, trong khi đối tượng phục vụ chính là khách nước ngoài thì dĩ nhiên phải phục vụ theo khẩu vị của người ta, chứ không lẽ chúng ta mang nước mắm, rau dăm trứng vịt lộn hay bún đậu mắm tôm sang đó bán.
Kết thúc sự kiện Expo 2015, Ngôi nhà Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao còn người Việt Nam lại cảm thấy "nhục". Thật kỳ lạ !
Nói thêm là Ngôi nhà Việt Nam mà các bạn đang chê ấy đã được trang CNN Traveler xếp hạng là 1 trong những công trình gây ấn tượng và đẹp nhất ở Expo. Giờ "cộng đồng mạng" đã thấy bớt nhục hơn chưa ?
Hoàng Thị Nhật Lệ
Ảnh: du khách tập trung theo dõi các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.