Từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình ở quần đảo Trường sa thuộc
vùng biển Đông Nam của Tổ quốc đã trở nên phức tạp. Tháng 10/1987, Tư lệnh Quân
chủng Hải quân đã ra lệnh chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các
đơn vị thuộc quần đảo Trường Sa và lệnh cho một số đơn vị, trong đó có công
binh E83 Quân chủng Hải quân sẵn sàng đi xây dựng, chi viện đảo.
Tháng 1/1988, Trung đoàn đã bắt đầu lần lượt điều các khung đi xây
dựng tại các đảo ở quần đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/1988, đối phương tăng cường
lực lượng hải quân xuống khu vực quần đảo của ta. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có
chỉ thị cho Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng
sẵn sàng ra Trường Sa. 20h đêm 11/3/1988, tàu HQ-604 của Đoàn 125 do đồng chí
Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng đã nhổ neo tại căn cứ của công binh E83, tiếp tục
đưa hai khung của Trung đoàn và các đồng chí của Đoàn 146 đi đóng giữ bảo vệ đảo.
2h sáng ngày 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều
thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505
đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin. Sau hai ngày
đêm, HQ 604 và HQ 605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, Sở chỉ huy
Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác
định là Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.
Tối 13/3/1988, đối phương uy hiếp mạnh một số đảo của ta, ngay
trong đêm 13/3/1988, Sở Chỉ huy đã chỉ thị cho bộ phận đi đóng giữ đảo: Quyết
giữ vững mục tiêu, khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm xuống bám giữ đảo, đồng
thời chuyển vật liệu xây dựng lên làm nhà.
Đến 6h sáng 14/3/1988, 49 lính Trung Quốc mang AK và một
tên chỉ huy dáng người cao to mang súng ngắn bao vây bộ đội ta theo thế vòng
cung men theo bãi san hô, những chỗ vòng vây gần nhất, hai bên cách nhau chỉ chừng
một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc.
Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần, tên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc
bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng trung úy Phương, bóp cò.
Anh Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ tổ quốc. Một tên khác xông lên
chĩa thẳng súng vào đầu trung úy Phương nhả đạn. 3 tàu chiến Trung Quốc tăng tốc
áp sát đảo, cách tàu HQ 604 chừng 300 mét. Giữa vòng vây quân thù, binh nhất
Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng
trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất
Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Liền sau đó, tiếng đạn nổ
chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo.
Cùng lúc đó HQ 505 đã hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo
Cô lin. 6h30 sáng, 3 tàu chiến Trung Quốc liên tục nã pháo vào HQ 505, đạn
trúng vào buồng máy, khu thông tin, đài chỉ huy, kho tàu bốc cháy. Gặp gió mùa
đông bắc thổi mạnh, máy bị hỏng nên tàu trôi xa khỏi đảo hơn một hải lý.
Pháo 85, 100 ly trên tàu Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn khiến HQ 505 bốc
cháy ngùn ngụt, thân tàu thủng, nước tràn vào các khoang, dầu trôi ra lênh láng
mặt biển. Hệ thống liên lạc bị hỏng, không thể báo cáo tình hình với cấp trên. Ngay
lập tức, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ hội ý với Ban chỉ huy tàu và yêu cầu phải sửa
chữa bằng được máy móc để đưa tàu lên đảo. Trong vòng 3-4 phút, phương án này
được thống nhất. Dù bị thương nhưng máy trưởng, đại úy Nguyễn Đại Thắng vẫn
xông xáo chỉ đạo anh em sửa máy bằng được. Lúc lá cờ tổ quốc tung bay trên nóc con
tàu dài gần 100 mét, rộng 28 mét vừa yên vị trên bãi thì cũng là lúc tàu chiến
Trung Quốc tiếp tục nã đạn. Thuyền trưởng Lễ yêu cầu anh em hủy tài liệu mật,
sơ tán khỏi tàu nhằm hạn chế thương vong, đồng thời chuyển vũ khí lên đảo chuẩn
bị chiến đấu.
Bên phía đảo Gạc Ma, các chiến sĩ của ta dù thương vong nặng nhưng
vẫn giằng co quyết liệt với địch, nhưng trước sự kiên cường của chiến sĩ ta, đối
phương rời đảo. Rút về tàu chiến và nổ súng vào các cán bộ chiến sĩ Hải quân ta
đang bám giữ đảo và cả tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đang ở đó khiến vị
thuyền trưởng anh hùng ôm chặt bánh lái cùng HQ 604 nằm lại dưới biển sâu.
Trời sáng, lính Trung Quốc rút khỏi Gạc Ma. Trung sĩ Thảo bơi ngược
lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương, xé áo nút lại chiếc xuồng
vận tải bị đạn địch bắn thủng, dùng báng súng làm chèo chở thi thể trung úy
Phương và thương binh Lanh về hướng tàu HQ 505.
12h trưa 14/3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma. Đầu
giờ chiều, xuồng của HQ 505 đến nơi ứng cứu đưa các chiến sĩ về tàu, sau đó về
đảo Sinh Tồn. Binh nhất Lanh được chuyển bằng trực thăng vào đất liền cấp cứu
và may mắn giữ được tính mạng. Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn nghỉ ngơi, phục hồi
sức khỏe nhưng thuyền trưởng Lễ cùng các chiến sĩ đã bám trụ lại đảo Cô Lin đến
tháng 6/1988, khi các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc đã giảm và
chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững.
Sau
trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 lịch sử, 64 cán bộ chiến sĩ Hải
quân ta đã anh dũng hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ
năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin
và Len Đao.
NHỮNG ANH HÙNG GẠC MA
Sự
anh dũng hy sinh và chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ trong trận hải chiến
Gạc Ma - Trường Sa luôn được những thế hệ sau nhắc đến.Một năm sau trận hải chiến
ngày 14.3.1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho:
Anh
hùng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái
Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, TP.Hải Phòng. Khi được tuyên dương
Anh hùng, anh là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân).
Anh
hùng Nguyễn Văn Lanh (sinh năm 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng
Bình. Khi được tuyên dương Anh hùng, anh là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh
thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83, Quân chủng Hải quân).
Anh
hùng liệt sĩ Trần Văn Phương (sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng
Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi hy sinh anh là thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc
Ma, lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân.)
Anh
hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương,
tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là đại úy, thuyền trưởng tàu HQ604 thuộc lữ
đoàn 125, Quân chủng Hải quân).
Anh
hùng liệt sĩ Trần Đức Thông (sinh năm 1944, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh
Thái Bình. Khi hy sinh anh là trung tá, Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4
thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh
Hòa).
Và
hơn tất cả, các anh là những đứa con sống mãi trong lòng dân tộc.
[Hoàng Thị Nhật Lệ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét