Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Chuyện gì đã xảy ra sau Hải chiến Trường Sa 1988 ?


Khi nhắc đến Hải chiến Trường Sa nhiều người chỉ biết đến trận đánh trên đảo Gạc Ma vào rạng sáng ngày 14/03/1988. Như vậy là chưa đủ, bởi bên cạnh Gạc Ma chúng ta còn Cô Lin, Len Đao và cả chiến dịch CQ – 88 ngay sau đó.

1.     Bối cảnh lịch sử

Từ đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã có tham vọng độc chiếm Biển Đông, nhưng đến đầu năm 1974, sau chuyến “đi đêm” với Mỹ, Trung Quốc mới nhận thấy cơ hội chín muồi cho một cuộc tấn công chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi ấy đang nằm trong tay của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Đến đầu tháng 3/1988, Trung Quốc đã huy động lực lượng lớn Hải quân mở rộng phạm vi lấn chiếm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với 12 tàu chiến, trong đó có 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, ngoài ra còn có 3 tàu vận tải và 1 tàu kéo.

Sáng sớm ngày 14/3/1988, khi phát hiện tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người và khoảng 20 chiến sĩ công binh hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên bãi Gạc Ma thì bất ngờ 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa Trung Quốc chạy đến. Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát chừng 200-300m, Trung Quốc dùng xuồng máy đổ bộ với 50 lính có trang bị súng AK (48 lính mang AK, 1 mang điện đàm, 1 mang súng ngắn). Một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra, do đang làm nhiệm vụ xây dựng nên các chiến sĩ hải quân Việt Nam chỉ mang theo 2 khẩu AK-47, gần 40 chiến sĩ chi viện cũng chỉ mang một số dụng cụ như xà beng, cuốc xẻng. Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi bãi Gạc Ma, lúc 7 giờ 30 phút, tốp lính Trung Quốc rút về tàu rồi dùng hai chiến hạm bắn pháo vào tàu 604. Tàu Trung Quốc đồng thời nhả đạn, hỏa lực gồm đủ loại từ trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng bắn vào tàu HQ-604 và lính Việt Nam trên bãi, đồng thời tấn công tàu HQ-505 bên đảo Cô Lin và HQ-605 bên đảo Len Đao.

2.     Sau trận chiến

Ngay sau trận đánh, Việt Nam đã lên kế hoạch giành lại Len Đao với tên gọi chiến dịch là CQ-88. Trong chiến dịch, chủ trương là chỉ sử dụng các lực lượng vận tải và công binh để thực hiện đóng quân bảo vệ chủ quyền, không để Trung Quốc tạo cớ đánh chiếm toàn bộ quần đảo khi mà lực lượng của Việt Nam trên biển vẫn còn rất mỏng. Hơn nữa, khi ấy chúng ta phải căng sức trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc và Tây Nam

Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau trận đánh, Việt Nam cho quân đóng giữ đảo Đá Thị, một vị trí rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, Việt Nam tiếp tục cho quân đóng giữ đảo Đá Nam.

Một tháng sau sự kiện ngày 14/3, tàu hải quân Việt Nam chở theo 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12,7mm, DKZ… quay lại quần đảo Trường Sa. Từ 2h sáng, Hải quân Việt Nam bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên lính Việt Nam chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao. Tại Gạc Ma, phía Trung Quốc đã xây nhà cấp tốc và giăng lưới điện xung quanh đảo nên các chiến sĩ không tiếp cận được.

Buổi sáng, phát hiện Việt Nam cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây đảo. Trận chiến rất dễ xảy ra, nhưng lúc này 7 máy bay chiến đấu Su-22M của Việt Nam bay từ đất liền ra quần đảo, ngay lập tức phía tàu Trung Quốc tản ra. Bộ đội Việt Nam tiếp tục xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.

Tổng cộng trong chiến dịch CQ - 88, Việt Nam đóng giữ thêm 11 đảo chìm. Tháng 11/1988, Hải quân Việt Nam bắt đầu đóng giữ, bảo vệ khu vực DK1 ở thềm lục địa phía Nam.



1 nhận xét:

  1. Lưu ý có chi tiết CQ 88 lập sau 14/3 là chưa chính xác, CQ 88 ta lập KH từ 87, từ tháng 1/88 đã triển khai, và trận Gama - Colin - Lendao là đụng độ trong CQ 88.

    Trả lờiXóa