Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

TỪ TẤM THẢM ĐẾN CÁI ĐỒNG HỒ



Dường như bệnh cuồng Mỹ của đám dân chủ cuội Việt Nam đã đạt đến độ điên đỉnh điểm sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lâu nay người ta cứ ảo tưởng VNCH vẫn là cục cưng của nước Mỹ, cứ hy vọng chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách để lật đổ chế độ hiện hành tại Việt Nam. Thế nên chuyện Hoa Kỳ mời Tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam sang thăm là một điều hơi khó chấp nhận. Mà đã khó chấp nhận thì phải tìm cớ để chửi cho bõ ghét và cũng là chửi để cho thiên hạ biết đến sự tồn tại của mình.

Các “nhà dân chủ” xứ Việt lâu nay vẫn coi VTV như kẻ thù, rằng VTV là cái loa của chế độ, là báo “lề Đảng”, là kiểm duyệt thông tin. Ấy thế mà mấy hôm nay chính những “nhà dân chủ” ấy lại chầu tin tức trên VTV như con mong mẹ đi chợ về. Thế rồi họ như phát rồ, phát dại khi phát hiện ra tấm thảm đỏ trải từ cầu thang máy bay của Tổng bí thư đi xuống có vẻ “hơi ngắn”(do góc quay). Đi đầu phong trào “soi thảm” này là ông tiến sĩ Hán(g) Nôm Nguyễn Xuân Diện. Hóa ra cái học hàm, học vị của ông chỉ dùng để đi soi thảm, rồi từ đấy, làng dân chủ Việt Nam như lên đồng cùng một lúc. Chả mấy khi họ vớ được một cái cớ để “nâng tầm nước Mỹ và hạ nhục Việt Nam”.

Sau khi cơn rồ đi qua, người ta định thần lại và nhận ra cái góc quay đã khiến cho tấm thảm bị “ngắn” nên chuyện này tạm dừng tại đây. Người ta chuyển sang chủ đề mới, soi xem đoàn chủ nhà ra đón phái đoàn Việt Nam có xứng tầm nghi lễ nguyên thủ hay không. Khi phát hiện ra người ra đón đoàn Việt Nam là “phụ tá bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ - phiên ngang sang Việt là Thứ trưởng ngoại giao” thì đám dân chủ cuội ấy lại nhao nhao lên “đấy, thấy nó khinh chưa”…. Nếu nói như các vị này, thì biết giải thích ra sao người ra đón Nguyên thủ nước ngoài tại Nội Bài là…vụ trưởng vụ Lễ tân thì . Thật đúng như một facebooker bình luận “Đến nhà người không thay vì nhập gia tùy tục lại lấy quan điểm khách đến nhà làm cha thiên hạ”. Chắc chỉ làng dân chủ Việt Nam mới có quan điểm này.

Thế rồi những thánh soi ấy lại phát hiện một bức ảnh chụp cảnh tổng thống Obama nhìn đồng hồ khi đang nói chuyện với Tổng bí thư nhà mình. Và dĩ nhiên, người ta lại rủ nhau lên đồng rằng “hành động nhìn đồng hồ ấy chứng tỏ ông Ô “khinh” ông Tổng nên không muốn nói chuyện nữa” hay “nhìn đồng hồ là để nhắc khéo ông Tổng rằng tôi không muốn tiếp ông nữa”, bla…bla…bla. Rồi đến khi phát hiện ra ông Tổng nhà mình nhìn đồng hồ trước, rồi ông Ô mới nhìn theo sau khi người ta lại rồ dại rằng hành động nhìn đồng hồ của ông Tổng là “đến nhà người ta chơi mà coi thường chủ nhà”, “văn hóa thấp, kém văn minh, không biết ứng xử”, bla…bla…

Thật đúng là lưỡi không xương trăm đường lắt léo mà. Những con người như vậy, đến bao giờ mới văn minh lên được !

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

XIN ĐỪNG VẤY BẨN PHONG TRÀO SINH VIÊN TÌNH NGUYỆN !



Mùa thi năm nay, phòng thi nóng bởi tâm trạng lo âu của sĩ tử, ngoài đường nóng bởi mức nhiệt gần 40 độ C cùng sự kỳ vọng của phụ huynh, còn trên mạng thì nóng bởi những quan điểm trái ngược nhau về chuyện của sinh viên tình nguyện. 

Mọi thứ bắt đầu từ hình ảnh những sinh viên tình nguyện (SVTN) nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống giữa cái nắng 40 độ của Thủ đô. Kiếp làm dâu trăm họ, trăm người trăm ý, người cảm phục, người xót thương, kẻ lại chê bai, cười cợt. Một vài nhà báo ngồi trong phòng lạnh cũng tranh thủ trổ tài văn chương, múa bút bằng những bình luận thể hiện sự “thiếu hiểu biết” của mình.

Người ta bảo phân luồng giao thông là việc của lực lượng chức năng, đúng vậy, đây không phải trách nhiệm của SVTN. Nhưng đã có ai thử thống kê xem Hà Nội cần bao nhiêu cảnh sát giao thông để có thể đáp ứng được yêu cầu vừa phải điều tiết tại các ngã tư, vừa phải túc trực tại các điểm thi chưa ? Mỗi điểm thi đều có một vài cảnh sát giao thông và cảnh sát hình sự. Nhưng so với số lượng thí sinh và phụ huynh thì con số này quá ít ỏi. Nếu ai cũng tuân thủ theo hướng dẫn và điều tiết của cảnh sát giao thông thì chắc hẳn SVTN cũng không thừa hơi rủ nhau ra giữa đường phơi nắng.

Người ta bảo “sao không dùng dải phân cách di động”. Xin thưa rằng số lượng dải phân cách di động có hạn, không thể đủ để đáp ứng nhu cầu và cũng không phù hợp với những đoạn đường nhỏ hẹp khi mà lòng đường chỉ rộng từ 5 đến 6m. Cũng có ý kiến cho rằng tại sao không dùng dây thừng làm hàng rào chắn, chê sinh viên “chỉ có lòng nhiệt tình mà thiếu thông minh”. Đây chắc hẳn là những người chỉ nhìn đời qua màn hình máy tính. Bởi những ai trực tiếp chứng kiến đều cảm phục cái hàng rào “ngu ngốc” của các bạn SVTN. Giữa cái nắng 40 độ, các bạn đứng giữa đường bê tông, giữa khói xe mù mịt, nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống. Ấy thế mà chỉ cần cái hàng rào ấy thưa ra 1 tý là người ta sẵn sàng “xé rào”. Đến hàng rào người mà còn có kẻ muốn xé thì liệu dây thừng có hiệu quả hay không ?

Người ta bảo các bạn sinh viên nên tự lo cho bản thân mình trước khi lo cho người khác. Đúng vậy, làm hàng rào sống như vậy rất nguy hiểm, lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu các sinh viên chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chắc hẳn mùa thi năm sau sẽ không còn bóng áo xanh tình nguyện nữa. Khi ấy không phải là vài chục bạn trẻ đứng nắng mà là cả dòng người đứng nắng. Không ai muốn mang cái mặt mình ra phơi nắng, tôi không muốn, bạn không muốn và họ cũng không muốn. Vất vả mà. Nhưng biết là vất vả mà họ vẫn cứ làm. Họ làm thế vì ai ? Vì cộng đồng, vì sự an toàn của thí sinh và phụ huynh bạn ạ. Trước khi chê trách họ, hãy tự nghĩ lại ý thức tham gia giao thông của chính mình. Họ phải dùng cái sự “ngu ngốc” và “liều mạng” ấy để khắc phục những hậu quả do ý thức kém của những người tham gia giao thông.

Người ta bảo rằng “bố mẹ các SVTN nhìn thấy con mình đứng giữa cái nắng 40 độ sẽ xót con lắm”, rằng người ta sẽ không bao giờ cho con mình làm “những điều ngu ngốc” như vậy. Là bố mẹ, có ai không xót con, bạn xót con bạn bao nhiêu thì bố mẹ SVTN cũng xót con mình bây nhiêu. Bạn thương con bạn, bạn không cho nó ra đường nhưng đừng nghĩ rằng người khác cũng vậy. Họ có thể chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, không trí thức bằng người thành phố, nhưng họ đồng ý cho con mình đi tiếp sức mùa thi để va chạm với đời, để học cách sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đừng nghĩ ai cũng ích kỷ giống mình. Có những ông bố bà mẹ thấy con về nghỉ hè liền đuổi nó lên Hà Nội “sao mày không đi tiếp sức mùa thi, về nhà làm gì, chơi nhiều sinh hư” . Mình có cậu em là zai Hà Nội, bố mẹ không chỉ đồng ý cho cậu đi tiếp sức mùa thi mà còn mua nước, mua đá, chuẩn bị dụng cụ để con làm trà đá miễn phí. Đó mới chính là thương con, là dạy con cách sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Việc phải nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống là điều bất khả kháng. Vậy mà nhiều kẻ độc mồm độc miệng bảo rằng “SVTN làm như thế là để thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân”. Những sinh viên nắm tay nhau đứng giữa cái nắng 40 độ kia, họ không cần thể hiện thì xã hội này cũng biết. Cũng chẳng có "mục đích” theo kiểu ghi điểm trong mắt người khác hay làm đẹp lý lịch bằng vài hành động cao thượng tuổi trẻ đâu, hãy thôi lý luận kiểu cùn ấy đi. Chỉ những kẻ sống mờ nhạt mới cần “chơi trội” để người ta biết đến mình.

Chẳng có nhà trường nào ép sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi, cũng chẳng có thành đoàn nào chỉ đạo sinh viên phải làm hàng rào sống. Lâu nay người ta cứ quen thói đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho chính quyền để thỏa mãn cái nhu cầu chửi mà không cần quan tâm đến sự thật nó như thế nào. Xin đừng vấy bẩn phong trào sinh viên tình nguyện bằng cái suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ của bản thân mình. Bạn muốn chửi chính quyền thì kiếm cớ khác mà chửi, đừng bôi nhọ công sức của những người đang cống hiến sức trẻ cho bạn, cho tôi, cho xã hội. Sinh viên muốn tham gia tiếp sức mùa thi phải trải qua mấy vòng phỏng vấn rồi tập duyệt, có không ít người muốn đi mà không được. Họ không ích kỷ giống như một số người lúc nào cũng mang tâm lý vụ lợi, họ không đòi hỏi phải được cái này, được cái kia, họ tự nguyện tham gia và góp sức để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Người ta bảo rằng sinh viên ngày nay chỉ biết lo chuyện bao đồng , “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rằng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Người ta “dạy” sinh viên nên đi làm thêm không thì về nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng, bla…bla…. Tôi dám chắc “người ta” ấy là những kẻ chỉ biết ngồi phòng lạnh, nhìn đời qua màn hình máy tính, sống ích kỷ chỉ biết đến bản thân mình. Hãy mừng vì sinh viên bây giờ biết lo chuyện bao đồng, điều ấy có nghĩa là họ không thờ ơ, vô cảm, họ sống có trách nhiệm với xã hội. Những trí thức ấy là tương lai của đất nước, họ không chỉ có tài mà còn có tâm. Những SVTN kia, họ có thể về nhà, đi du lịch và hưởng thụ mùa hè, nhưng không, họ chọn cách ở lại thành phố, chọn những khó khăn, vất vả về mình để chắp cánh cho những ước mơ. Đừng dạy họ phải sống như thế nào, hãy nhìn cách họ đã sống và cống hiến mà học tập.

P/s: Thưa các nhà “chỉ trích học”, các SVTN không ngu đến mức đứng như thế cả ngày, họ chỉ lập hàng rào khi thí sinh chuẩn bị ra khiến tình giao thông bắt đầu hỗn loạn ở những nơi đường chật hẹp. Chứ không phải đứng dưới cái nắng dữ dội từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều như kiểu “mực một nắng” các bạn thường tưởng tượng. Chắc hẳn họ sẽ rất vui mừng nếu ai đó có ý kiến hoặc một phương pháp đủ thiết thực và hiệu quả để thay thế cho những hàng rào người này.

ĐỪNG GHEN TỊ VỚI TUỔI TRẺ CỦA HỌ !


Mình rất thích bài hát Tự nguyện, nó như là lời của tuổi trẻ sục sôi, của những khát vọng cống hiến cho đời. “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”.

Mỗi người một cuộc đời, một cách sống. Có những người chỉ sợ sống mà chưa làm được gì cho đời. Nhưng cũng có không ít kẻ sống mà sợ đời chưa làm được gì cho mình. Cuộc sống của bạn, cách sống của bạn là do bạn chọn và nếu đã chọn thì bạn nên hài lòng với nó, đừng ghen tị với cuộc sống của người khác. Bài viết này mình dành tặng cho những bạn đang không quản ngại ngày đêm, hao bòn bàn phím để múa ra những dòng chữ chê bai, dìm hàng người khác với mong muốn kéo tụt họ xuống bằng mình. (Chống chỉ định với những người có cmt, góp ý chân thành để lực lượng tình nguyện viên hoàn thiện các hoạt động của mình)

------------------------------------------------

Bạn chọn cho mình một cuộc sống nhàm chán đơn điệu. Bạn giết thời gian bằng game online và những thứ vô bổ khác. Bạn sống một cuộc đời mờ nhạt nên cảm thấy vô cùng khó chịu khi mà từ báo chí, facebook đến twitter, Instagram,… đâu đâu cũng thấy hình ảnh áo xanh tình nguyện. Bạn “ghét” sự cống hiến của họ, bạn tìm mọi cách chê bai, dìm hàng họ. Bạn kiếm được một cái cớ để chửi họ ngu ngốc và nhân tiện bạn phủ nhận luôn mọi hoạt động, cố gắng của họ. “Hàng rào sống” – một việc làm có thể “không thông minh” như lời bạn nói. Nhưng bạn ạ ! Sinh viên, thanh niên tình nguyện không chỉ biết làm mỗi cái “hàng rào sống”. Họ tìm nhà trọ miễn phí; họ đưa đón thí sinh; họ phát cơm, phát nước; họ lên vùng cao xây dựng cơ sở hạ tầng; họ quyên góp từ thiện; họ dọn vệ sinh môi trường…. Đóng góp ý kiến để xây dựng là rất tốt, nhưng đóng góp ý kiến khác với việc chửi bới, dìm hàng và phủ nhận toàn bộ công sức của người khác. 

“Con người rất hăng say trong việc tìm ra lỗi sai của người khác, nhưng lại ít khi có đủ lòng tốt để sửa chữa những sai sót đó, và càng ít người có đủ dũng cảm để xắn tay áo làm ra những điều mà họ yêu cầu người ta phải có.”

ĐỪNG GHEN TỊ VỚI TUỔI TRẺ CỦA NGƯỜI KHÁC !

Này ! Các nhà “chỉ trích học”. Bạn đang ghen tị với tuổi trẻ của các sinh viên, thanh niên tình nguyện. Thật đấy. Chắc chắn luôn. Bạn ghen tị vì họ cũng ở tầm tuổi như bạn, trong khi bạn đẹp zai hơn họ, chân bạn dài hơn họ nhưng cả xã hội này lại tôn vinh, cảm phục họ. Ghen tị quá đi ấy chứ. Một ngôi sao chói lòa ngồi lù lù một đống, trang trọng một hòn một cục như thế mà chả ai để ý đến lại đi ca ngợi mấy đứa nhà quê, đen thùi lùi. Bạn sống một cuộc đời quá mờ nhạt nên cần thêm tý gia vị để người ta biết đến mình. Tôi hoàn toàn thông cảm cho sự ghen tị ấy, nhưng tôi nghĩ bạn nên giữ nó trong lòng thôi, đừng nói ra.

Bạn nghĩ rằng họ đi tình nguyện vì ham vui, vì thích thể hiện, vì muốn kiếm gấu ? Đúng đó bạn ạ, đi tình nguyện vui lắm. Bạn có ham vui không ? Có muốn kiếm gấu không ? Nếu có thì còn chần chừ gì nữa mà không xách mông lên và tham gia tình nguyện. Nếu là đi tiếp sức mùa thi, bạn sẽ được rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng thuyết trình khi vác cái mặt của mình đến từng nhà trọ, từng doanh nghiệp để vận động xin tài trợ. Sau đó là những ngày thức khuya dậy sớm, bạn sẽ được trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc và cuối cùng là vỡ òa khi thấy những thí sinh mình tiếp sức trải qua 1 kỳ thi an toàn và thuận tiện. Nếu tham gia mùa hè xanh, bạn sẽ tha hồ “thể hiện” tài xách vữa của mình dưới cái nắng không thể nắng hơn. Bạn sẽ được “tắm bùn” dưới những con kênh đen đặc bèo và rác. Nếu đi tình nguyện vùng cao bạn sẽ được ngồi trên ô tô nhiều tiếng để lên đến điểm tập kết, tiếp đó, bạn sẽ được trổ tài bốc vác hàng tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm (gạo, thuốc, sách vở, quần áo…) sau đó là lên ô tô tải hoặc xe cải tiến mà người ta thường hay dùng để chở hàng để đi lên bản bằng những con đường không thể xóc hơn. Bạn sẽ được hòa mình cùng thiên nhiên bằng những bữa cơm với rau rừng, canh măng. Bạn cũng sẽ được trổ tài dạy học, kiêm đầu bếp, kiêm bảo mẫu và kiêm thêm nhiều thứ nữa….


Còn muốn kiếm gấu ư ? Kể ra cũng hơi khó vì bây giờ rừng nó không còn nhiều động vật hoang dã như ngày xưa. Nhưng bạn có thể hoàn toàn yên tâm, trong lúc vào rừng kiếm măng, kiếm củi hoặc kiếm lá về lợp mái cho đồng bào, nếu may mắn bạn sẽ gặp được một em gấu và lúc ấy hãy chạy thật nhanh hoặc cầu giời cho em ấy không nhìn thấy bạn nhé. Gấu bây giờ nó manh động lắm.


Sau mỗi chuyến tình nguyện, có thể bạn sẽ gầy đi mấy cân, đen gần bằng dân châu Phi nhưng yên tâm, bạn sẽ được “cộng 5đ rèn luyện”. Hấp dẫn không ? Đi tình nguyện quả là một môi trường toẹt vời để “thể hiện”, “đú đởn” và “kiếm gấu”. Vậy bạn còn chờ đợi gì nữa mà không tham gia ?

Bạn ạ ! Ghen tị là một tính xấu, nó khiến bạn già nhanh hơn và khiến cuộc sống của bạn ngộ ngạt hơn khi cứ phải mang mình ra so sánh với người khác. Đừng chửi nữa, họ không giống bạn đâu. Tuổi trẻ của họ là những tháng ngày sống cùng hoài bão, cháy cùng đam mê. Họ xứng đáng là “thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”. Tuổi trẻ chỉ có một lần trong đời, hãy cứ để họ được sống, được cống hiến với khao khát, nhiệt huyết kể cả là ngông cuồng, “dại dột hay thiếu suy nghĩ như cách nhìn của nhiều người đã bị chai sạn, nhiều tính toán hơn thua trong cuộc đời. Không phải bạn mà chính cuộc đời, chính những việc họ làm sẽ giúp họ trưởng thành hơn.

Gửi riêng các bạn sinh viên, thanh niên tình nguyện đang cống hiến hết mình vì cộng đồng. Các bạn không cần quá bận tâm đến những lời đàm tiếu của những kẻ đố kị. Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, nếu có lý do chính đáng cho việc bạn đang làm thì hãy cứ tiếp tục công việc của mình. Bởi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” !

p/s: Thôi kệ đời, chả viết nữa, ai muốn nói sao thì nói. Không còn là sinh viên nên sang năm tớ lại đồng hành cùng các bạn bằng trà đá miễn phí vậy J