Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

XIN ĐỪNG VẤY BẨN PHONG TRÀO SINH VIÊN TÌNH NGUYỆN !



Mùa thi năm nay, phòng thi nóng bởi tâm trạng lo âu của sĩ tử, ngoài đường nóng bởi mức nhiệt gần 40 độ C cùng sự kỳ vọng của phụ huynh, còn trên mạng thì nóng bởi những quan điểm trái ngược nhau về chuyện của sinh viên tình nguyện. 

Mọi thứ bắt đầu từ hình ảnh những sinh viên tình nguyện (SVTN) nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống giữa cái nắng 40 độ của Thủ đô. Kiếp làm dâu trăm họ, trăm người trăm ý, người cảm phục, người xót thương, kẻ lại chê bai, cười cợt. Một vài nhà báo ngồi trong phòng lạnh cũng tranh thủ trổ tài văn chương, múa bút bằng những bình luận thể hiện sự “thiếu hiểu biết” của mình.

Người ta bảo phân luồng giao thông là việc của lực lượng chức năng, đúng vậy, đây không phải trách nhiệm của SVTN. Nhưng đã có ai thử thống kê xem Hà Nội cần bao nhiêu cảnh sát giao thông để có thể đáp ứng được yêu cầu vừa phải điều tiết tại các ngã tư, vừa phải túc trực tại các điểm thi chưa ? Mỗi điểm thi đều có một vài cảnh sát giao thông và cảnh sát hình sự. Nhưng so với số lượng thí sinh và phụ huynh thì con số này quá ít ỏi. Nếu ai cũng tuân thủ theo hướng dẫn và điều tiết của cảnh sát giao thông thì chắc hẳn SVTN cũng không thừa hơi rủ nhau ra giữa đường phơi nắng.

Người ta bảo “sao không dùng dải phân cách di động”. Xin thưa rằng số lượng dải phân cách di động có hạn, không thể đủ để đáp ứng nhu cầu và cũng không phù hợp với những đoạn đường nhỏ hẹp khi mà lòng đường chỉ rộng từ 5 đến 6m. Cũng có ý kiến cho rằng tại sao không dùng dây thừng làm hàng rào chắn, chê sinh viên “chỉ có lòng nhiệt tình mà thiếu thông minh”. Đây chắc hẳn là những người chỉ nhìn đời qua màn hình máy tính. Bởi những ai trực tiếp chứng kiến đều cảm phục cái hàng rào “ngu ngốc” của các bạn SVTN. Giữa cái nắng 40 độ, các bạn đứng giữa đường bê tông, giữa khói xe mù mịt, nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống. Ấy thế mà chỉ cần cái hàng rào ấy thưa ra 1 tý là người ta sẵn sàng “xé rào”. Đến hàng rào người mà còn có kẻ muốn xé thì liệu dây thừng có hiệu quả hay không ?

Người ta bảo các bạn sinh viên nên tự lo cho bản thân mình trước khi lo cho người khác. Đúng vậy, làm hàng rào sống như vậy rất nguy hiểm, lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu các sinh viên chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, chắc hẳn mùa thi năm sau sẽ không còn bóng áo xanh tình nguyện nữa. Khi ấy không phải là vài chục bạn trẻ đứng nắng mà là cả dòng người đứng nắng. Không ai muốn mang cái mặt mình ra phơi nắng, tôi không muốn, bạn không muốn và họ cũng không muốn. Vất vả mà. Nhưng biết là vất vả mà họ vẫn cứ làm. Họ làm thế vì ai ? Vì cộng đồng, vì sự an toàn của thí sinh và phụ huynh bạn ạ. Trước khi chê trách họ, hãy tự nghĩ lại ý thức tham gia giao thông của chính mình. Họ phải dùng cái sự “ngu ngốc” và “liều mạng” ấy để khắc phục những hậu quả do ý thức kém của những người tham gia giao thông.

Người ta bảo rằng “bố mẹ các SVTN nhìn thấy con mình đứng giữa cái nắng 40 độ sẽ xót con lắm”, rằng người ta sẽ không bao giờ cho con mình làm “những điều ngu ngốc” như vậy. Là bố mẹ, có ai không xót con, bạn xót con bạn bao nhiêu thì bố mẹ SVTN cũng xót con mình bây nhiêu. Bạn thương con bạn, bạn không cho nó ra đường nhưng đừng nghĩ rằng người khác cũng vậy. Họ có thể chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, không trí thức bằng người thành phố, nhưng họ đồng ý cho con mình đi tiếp sức mùa thi để va chạm với đời, để học cách sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đừng nghĩ ai cũng ích kỷ giống mình. Có những ông bố bà mẹ thấy con về nghỉ hè liền đuổi nó lên Hà Nội “sao mày không đi tiếp sức mùa thi, về nhà làm gì, chơi nhiều sinh hư” . Mình có cậu em là zai Hà Nội, bố mẹ không chỉ đồng ý cho cậu đi tiếp sức mùa thi mà còn mua nước, mua đá, chuẩn bị dụng cụ để con làm trà đá miễn phí. Đó mới chính là thương con, là dạy con cách sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Việc phải nắm tay nhau tạo thành dải phân cách sống là điều bất khả kháng. Vậy mà nhiều kẻ độc mồm độc miệng bảo rằng “SVTN làm như thế là để thỏa mãn nhu cầu thể hiện bản thân”. Những sinh viên nắm tay nhau đứng giữa cái nắng 40 độ kia, họ không cần thể hiện thì xã hội này cũng biết. Cũng chẳng có "mục đích” theo kiểu ghi điểm trong mắt người khác hay làm đẹp lý lịch bằng vài hành động cao thượng tuổi trẻ đâu, hãy thôi lý luận kiểu cùn ấy đi. Chỉ những kẻ sống mờ nhạt mới cần “chơi trội” để người ta biết đến mình.

Chẳng có nhà trường nào ép sinh viên tham gia tiếp sức mùa thi, cũng chẳng có thành đoàn nào chỉ đạo sinh viên phải làm hàng rào sống. Lâu nay người ta cứ quen thói đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho chính quyền để thỏa mãn cái nhu cầu chửi mà không cần quan tâm đến sự thật nó như thế nào. Xin đừng vấy bẩn phong trào sinh viên tình nguyện bằng cái suy nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ của bản thân mình. Bạn muốn chửi chính quyền thì kiếm cớ khác mà chửi, đừng bôi nhọ công sức của những người đang cống hiến sức trẻ cho bạn, cho tôi, cho xã hội. Sinh viên muốn tham gia tiếp sức mùa thi phải trải qua mấy vòng phỏng vấn rồi tập duyệt, có không ít người muốn đi mà không được. Họ không ích kỷ giống như một số người lúc nào cũng mang tâm lý vụ lợi, họ không đòi hỏi phải được cái này, được cái kia, họ tự nguyện tham gia và góp sức để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Người ta bảo rằng sinh viên ngày nay chỉ biết lo chuyện bao đồng , “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rằng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Người ta “dạy” sinh viên nên đi làm thêm không thì về nhà giúp đỡ bố mẹ việc đồng áng, bla…bla…. Tôi dám chắc “người ta” ấy là những kẻ chỉ biết ngồi phòng lạnh, nhìn đời qua màn hình máy tính, sống ích kỷ chỉ biết đến bản thân mình. Hãy mừng vì sinh viên bây giờ biết lo chuyện bao đồng, điều ấy có nghĩa là họ không thờ ơ, vô cảm, họ sống có trách nhiệm với xã hội. Những trí thức ấy là tương lai của đất nước, họ không chỉ có tài mà còn có tâm. Những SVTN kia, họ có thể về nhà, đi du lịch và hưởng thụ mùa hè, nhưng không, họ chọn cách ở lại thành phố, chọn những khó khăn, vất vả về mình để chắp cánh cho những ước mơ. Đừng dạy họ phải sống như thế nào, hãy nhìn cách họ đã sống và cống hiến mà học tập.

P/s: Thưa các nhà “chỉ trích học”, các SVTN không ngu đến mức đứng như thế cả ngày, họ chỉ lập hàng rào khi thí sinh chuẩn bị ra khiến tình giao thông bắt đầu hỗn loạn ở những nơi đường chật hẹp. Chứ không phải đứng dưới cái nắng dữ dội từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều như kiểu “mực một nắng” các bạn thường tưởng tượng. Chắc hẳn họ sẽ rất vui mừng nếu ai đó có ý kiến hoặc một phương pháp đủ thiết thực và hiệu quả để thay thế cho những hàng rào người này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét