Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

TƯ NHÂN HÓA NGÀNH ĐIỆN – CHUYỆN ĐÂU PHẢI ĐÙA !



Trong kinh doanh, có càng nhiều đối thủ thì sự cạnh tranh càng lớn, nhiều sản phẩm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ khiến giá thành sản phẩm ngày càng rẻ trong khi chất lượng ngày càng tăng. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nghĩ đến việc tư nhân hóa ngành điện – nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng đây là một trong những ngành trọng điểm của quốc gia, chuyện đâu phải đùa.

Giá điện tăng – dân tình bức xúc. Người đòi tư nhân hóa ngành điện, người đòi công khai minh bạch. Thôi, tạm thời bỏ qua chuyện EVN có minh bạch hay không, lỗ lãi như thế nào. Bài viết này chỉ tính đến chuyện tư nhân hóa ngành điện.

Tư nhân hóa quá trình chuyển đổi về hình thức sở hữu của một doanh nghiệp từ nhà nước sang tay tư nhân. Nói một cách dễ hiểu thì tư nhân hóa ngành điện nghĩa là các doanh nghiệp tư nhân (trong nước và ngoài nước) được phép đầu tư vào ngành điện, cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước (EVN). Theo như lý giải của một số người thì sự cạnh tranh này sẽ làm giảm giá điện. Nghe thì rất đơn giản nhưng điện là một ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia. Nếu ngành điện rơi vào tay tư nhân thì chuyện gì sẽ xảy ra. Thương trường là chiến trường, đừng ai đòi hỏi sự công bằng trong kinh doanh. Xưa kia điện thoại có Nokia, Motorola, SamSung, LG, Apple… thì nay chỉ còn SamSung, LG, Apple… Bạn có thể nói rằng các hãng kia hoạt động không tốt nên bị sáp nhập. Ok. Chuyện cái điện thoại, có bị sáp nhập hay thao túng cũng không ảnh hưởng gì mấy đến nền kinh tế quốc gia. Nhưng nếu như ngành công nghiệp năng lượng – ngành trọng điểm bị thao túng thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Điều ấy có nghĩa là nền kinh tế của cả quốc gia ấy sẽ phụ thuộc vào một người.

Bạn có thể nói rằng sự cạnh tranh sẽ khiến doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi, phải kinh doanh hiệu quả, phải có lãi, phải bla…bla…bla nhưng có một điều này bạn cần nhớ: tư nhân họ chỉ làm vì lợi nhuận, nếu một việc không có lợi, chắc chắn họ sẽ không làm. Còn nhà nước thì bên cạnh lợi nhuận còn có nhiều yếu tố khác. Lãnh thổ Việt Nam có tới ¾ là đồi núi. 54 dân tộc anh em, trong đó người Kinh chiếm 86,2% dân số sống ở đồng bằng. Các dân tộc khác chủ yếu sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Ở đồng bằng, nhu cầu sử dụng điện của người dân cao thì thôi ta không nói, còn ở vùng sâu vùng xa, vùng núi thì sao ? Nếu bạn là một doanh nghiệp, liệu bạn có bỏ hàng trăm tỷ đồng kéo điện lên bản – nơi mà chỉ có khoảng 30 – 50 nóc nhà, mỗi nhà sử dụng một bóng đèn để thắp sáng và một tivi chỉ được bật khoảng 2 tiếng buổi tối. Bạn có sẵn sàng đầu tư vào một nơi mà hàng tháng người dân chỉ sử dụng từ 10 đến 20.000 tiền điện và để thu được số tiền ấy ít ỏi ấy nhân viên của bạn phải mất mấy ngày vượt rừng băng suối. Tôi dám cá với bạn nếu không phải EVN thì chả có doanh nghiệp nào làm như vậy. Bạn có thể nói rằng nhiều nơi vẫn chưa có điện, ừ thì chưa có nhưng không có nghĩa là không có. Và nếu tư nhân hóa ngành điện thì tôi dám cá với bạn những nơi chưa có ấy sẽ vĩnh viễn không có điện.


Tư nhân hóa ngành điện có thể là việc sẽ xảy ra trong nay mai, nhưng tư nhân hóa như thế nào và tư nhân hóa ra làm sao thì hãy để các chuyên gia phân tích, tính toán. 

2 nhận xét:

  1. Thực ra việc tư nhân hóa ngành điện là điều cần thiết. Việc ngành điện nắm thế độc quyền quá lâu đã khiến ngành công nghiệp điện của chúng ta phát triển chậm, thất thoát điện cao. Bên canh đó giá điện cũng không hề rẻ. Tư nhân hóa có thể tạo nên xu thế cạnh tranh để phát triển. Từ đó dẫn đến việc người dân được hưởng lợi. Từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế

    Trả lờiXóa
  2. Khi tư nhân hoá cũng phải đặt ra vấn đề là các nhà đầu tư bắt tay nhau để nâng giá điện thì ai can thiệp và bảo vệ người tiêu dùng.

    Trả lờiXóa