Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Sự thật mất lòng, lời thật khó nghe


Có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau xung quanh những phóng sự mà chúng tôi đã thực hiện tại khu dân cư của những ứng cử viên đại biểu quốc hội khoác áo “nhà đấu tranh dân chủ” như Nguyễn Quang A, Nguyễn Đình Hà, Phan Văn Phong. Luồng ý kiến thứ 1 cho rằng những phóng sự của chúng tôi là cần thiết để đưa đến cho người dân những thông tin đầy đủ hơn về cách sống, cách ứng xử với hàng xóm láng giềng của những ứng viên này. Từ đó người dân có cơ sở để cân nhắc xem liệu những ứng viên “dân chủ” này có xứng đáng trở thành người đại diện cho họ hay không. Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng chúng tôi đang “bôi nhọ ứng cử viên đại biểu quốc hội”, đồng thời đòi kiện chúng tôi theo điều này, luật kia. Ở bài viết này chúng tôi xin được đề cập và làm rõ về luồng ý kiến thứ 2.

Luồng ý kiến thứ 2 chủ yếu xuất phát từ những “đồng nghiệp” trong làng “dân chủ” Việt Nam. Con hát thì mẹ phải khen hay, họ là “đồng nghiệp”, bênh nhau cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên tôi không rõ rằng những phóng sự ấy là “bôi nhọ danh dự” của người ứng cử đại biểu quốc hội. Bởi đó là sự thật, đó là nhận xét của cư dân nơi các ứng viên kia sinh sống. Họ là những người dân bình thường, họ biết sao nói vậy, tốt họ bảo tốt, xấu thì họ phải bảo xấu. Chúng tôi đơn giản chỉ là những người truyền tải thông tin nhằm đem đến cho người dân một cái nhìn toàn diện về đạo đức và cuộc sống của các ứng viên. Bản thân các ứng viên “dân chủ” này sống không ra gì thì không thể đổ thừa tại chúng tôi “bôi nhọ”.

Ứng cử viên đại biểu quốc hội tương lai nếu trở thành đại biểu quốc hội có nghĩa là trở thành người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Do đó người dân cần được cung cấp thông tin đầy đủ để từ đó có cơ sở lựa chọn ra những người xứng đáng nhất. Các ứng viên “dân chủ” đừng so sánh mình với những người khác mà làm ô uế thanh danh của người ta. Họ là những người được các tổ chức tiến cử, có nghĩa là những tổ chức đó biết rất rõ về người họ tiến cử, đồng thời các tổ chức này cũng phải chịu trách nhiệm về đạo đức, tư cách của người tiến cử ấy. Còn các vị là những ứng viên tự do, chả có ai đảm bảo tư cách đạo đức hay tài năng của các vị ngoài lời tự khai. Mà đã là tự khai thì có mấy ai tự nói xấu mình. Do đó để người dân tránh bị “nhầm lẫn”, chúng tôi mới phải cất công thực hiện những phóng sự này nhằm đưa đến cho người dân những thông tin không có trong bản tự khai.


Cổ nhân có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu các ứng viên này là người đàng hoàng tử tế thì đâu phải sợ mấy cái phóng sự của chúng tôi. Các vị sống như thế nào thì hàng xóm láng giềng biết, chúng tôi chỉ là những người đưa tin. Cái xấu không muốn người khác biết thì tốt nhất đừng làm. Sự thật mất lòng, lời nói thật thường khó nghe. Tốt hay xấu các vị tự vấn lương tâm mình sẽ rõ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét