Nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch ráo riết tuyên truyền quan điểm “cần phải phi chính trị hóa Quân đội. Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị”…. Vậy phi chính trị hay trung lập quân đội là gì ? Đúng hay sai chúng ta sẽ cùng nhau phân tích.
1. Xuất xứ của luận điệu “phi chính trị hóa quân đội:
Phi chính trị hóa Quân đội” là luận điểm đã có từ lâu, mà các đảng chính trị đối lập ở những nước đi theo chế độ đa đảng thường sử dụng, để hạn chế quân đội “can dự” vào những tranh giành chính trị của các đảng phái. Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, khi thấy rằng phương thức chống phá chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp gây chiến tranh xâm lược không hiệu quả, chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình.” Và một trong các thủ đoạn mà chúng sử dụng là đưa khẩu hiệu “quân đội phải duy trì tính trung lập về chính trị” vào các nước xã hội chủ nghĩa; nơi chỉ có một đảng (Đảng Cộng sản) lãnh đạo, nhằm thực hiện “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang cách mạng; mà thực chất là nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội là công cụ của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thủ đoạn này đã được chúng áp dụng thành công ở Liên Xô trước đây, khi mà những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã tự rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Marx-Lenin, mắc những sai lầm rất nghiêm trọng, như tự xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho Quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Dẫn đến tình trạng chỉ trong khoảng hai năm 1987-1989, gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội và khoảng 30% tướng lĩnh bị cho ra quân, hơn 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược - chiến dịch bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ.” Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991.
Đối với Việt Nam, từ nhận định rằng, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam còn nắm chắc Quân đội, Công an, nên chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; chưa thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, nên các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam ráo riết thực hiện chiêu bài “Lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị.” Họ hy vọng rằng, một khi lực lượng vũ trang đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu đó, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo đúng kịch bản “không đánh mà thắng” bằng những cuộc cách mạng màu. Và trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một Syria, Lybia, Ukcraina…
2. “Phi chính trị hóa quân đội”. Đúng hay sai ?
Đầu tiên cần khẳng định rằng, trên thế giới không có một quân đội của một quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị” vì quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của chính quyền. Đối với những nước theo chế độ đa đảng ví dụ như Hoa Kỳ, tổng thống đồng thời là tổng tư lệnh quân đội, tổng thống có quyền chỉ định bộ trưởng bộ quốc phòng, hay nói cách khác là khiến quân đội phục vụ đảng cầm quyền.
Lịch sử đã chứng kiến hàng nghìn vụ đảo chính trên thế giới từ xưa đến nay và có những giai đoạn, đảo chính quân sự xảy ra như cơm bữa ở châu Phi. Chỉ tính riêng ở Thái Lan, trong hơn 70 năm qua, quân đội đã thực hiện 19 lần đảo chính và âm mưu đảo chính. Trong khoảng hơn một thập kỷ, từ cuối những năm của thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 (1990 - 2003), quân đội Mỹ và đồng minh đã tiến hành bốn cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại các nước độc lập có chủ quyền, bất chấp dư luận, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991; chiến tranh Nam Tư 1999; chiến tranh Afghanistan 2001 và chiến tranh Iraq 2003). Gần đây nhất là việc quân đội Mỹ và NATO tiến hành các cuộc chiến tranh hoặc can thiệp quân sự ở Trung Đông - Bắc Phi nhằm lật đổ các chế độ “cứng đầu” và thiết lập chế độ mới theo Mỹ và phương Tây. Vậy sao lại cho rằng quân đội “trung lập về chính trị” hoặc “không can thiệp về chính trị”!
Một điều nữa là quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Quân đội là một thành phần của nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Và thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng ta và Bác Hồ kính yêu sáng lập và rèn luyện để giành và giữ chính quyền cách mạng, nên quân đội ta là một lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Quân đội là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Vì vậy phi chính trị hóa quân đội là cách nhanh nhất để phủi sạch lịch sử và phá vỡ sự yên bình của đất nước.
Những người trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình - độc lập, chúng ta không phải chứng kiến sự đau thương của chiến tranh để hiểu hết giá trị của hòa bình. Độc lập ngày hôm nay chúng ta hưởng được trả bằng xương máu của hàng triệu người. Lịch sử đã có rất nhiều đảng phái, rất nhiều tổ chức đứng lên làm cách mạng kháng Pháp, chống Mỹ nhưng chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam thành công và cũng chỉ Quân đội Nhân dân Việt Nam mới có thể bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nên độc lập tự do của tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét