Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

CÂU CHUYỆN VIẾNG NGƯỜI

Cậu bạn thân của mình đang là du học sinh tại Nhật. Ngày nào cậu ấy cùng các bạn cũng mở máy tính theo dõi tin tức từ quê nhà. Khi mà nỗi đau miền Trung chưa kịp nguôi thì những người con xa quê ấy lại nhói lòng khi nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Và họ - những du học sinh học viện ngôn ngữ Meros và trường đại học Chuo đã quyết định gom góp những đồng tiền mà họ phải vất vả làm thêm để trang trải cuộc sống nơi xứ người, cử một đại diện về nước viếng đại tướng. 1126,8 USD cho cặp vé khứ hồi và cậu bạn mình đã nhận trọng trách thiêng liêng này. Cậu kể gần 6h ngồi trên máy bay dù rất mệt nhưng cậu không sao chợp mắt nổi, hình ảnh đại tướng, hình ảnh những giọt nước mắt của du học sinh xứ người cứ ùa về trong tâm trí cậu. Những dòng thư chứa chan tình cảm, những con chữ như nhảy múa trong đầu.

- Đại tướng ơi, người nỡ bỏ dân tộc mà đi thế sao đại tướng.
- Ngày đại tướng đi con ở xa quá, con không thể về để đặt lên mộ Người cành hoa, con không thể về để dâng lên Người nén nhang, con chỉ biết gửi tình cảm của mình vào những con chữ, mong rang đại tướng trên trời cao nghe thấy lời con. Con cảm ơn đại tướng.
- Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu của thời gian, dẫu biết rằng ngày này sẽ đến nhưng sao nghe tin mà con bàng hoàng quá đại tướng ơi. Đại tướng ơi, mong Người ra đi thanh thản, chúng con học tập thành tài, nhất định sẽ quay về quê hương, đất nước.
- Hôm trước con gọi điện về nhà, mẹ con khóc rất nhiều và nói ngôi sao khuê của dân tộc mình vừa tắt, con bàng hoàng không tin đấy là sự thật. Đại tướng nỡ bỏ dân tộc mình sao đại tướng ơi.
- …
Những dòng chữ nắn nót nhòe nước mắt là tình cảm, là sự tiếc thương vô hạn của những người con xa quê.

Vừa xuống máy bay, cậu bạn mình quên cả việc trưa nay chưa ăn gì ngoài bữa ăn nhẹ trên máy bay, cậu đến ngay phố Hoàng Diệu. Con phố rợp bóng cây xanh có căn nhà số 30 – nơi đại tướng đã sống những năm cuối đời – nơi mà trái tim những du học sinh xa quê đang hướng về tổ quốc. Hôm nay đã là ngày thứ ba gia đình đại tướng mở cửa cho nhân dân vào viếng mà chúng tôi vẫn phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới tới lượt. Đằng trước là gia đình nhỏ, cậu bé chập chững biết đi tay cầm bức ảnh của đại tướng. Đằng sau là những bạn sinh viên mặc nguyên áo xanh tình nguyện, bên cạnh là cụ bà đã ngoài 80 mới từ Sơn La xuống. Đâu đó tiếng một bác cựu chiến binh đã từng là lính dưới quyền đại tướng kể cho đứa cháu nhỏ những câu chuyện về vị tướng lừng danh đã làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Lần thứ 2 mình vào viếng đại tướng, vẫn căn nhà ấy, vẫn khu vườn ấy mà đại tướng giờ không còn nữa. Những giọt nước mắt nóng hổi như chảy từ trong tim ra. Cậu bạn mình im lặng viết những dòng tưởng niệm. Mình cũng viết, mình viết những dòng này thay cho một chiến sĩ hải quân đang đồn trú tại Trường Sa với lời nhắn: “Chúng con xin thề trước vong linh Người, chúng con sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đến hơi thơ cuối cùng. Chúng con cảm ơn Người”.

Bước dưới bóng cây rợp mát đường Hoàng Diệu, cậu bạn mình đã nói một câu khiến mình suy nghĩ mãi : “Đại tướng ơi ! Trên trời cao Người có biết cả dân tộc đang khóc thương Người”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét