Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

CẢNH GIÁC TRƯỚC ÂM MƯU CHIA RẼ DÂN TỘC



Xung quanh vụ việc một số giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên quá khích, có hành vi vi phạm pháp luật, gây nên sự hỗn loạn ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đã và đang được các trang web phản động phản ánh theo chiều hướng “đổi trắng thay đen” để biện minh cho những hành động vi phạm pháp luật có chủ đích, có hệ thống. Sau đây là vài “ngu ý” của tác giả trước sự việc trên.

GIÁO DÂN CŨNG LÀ CÔNG DÂN

Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật để duy trì trật tự xã hội, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Phàm là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì bất kể ai cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Giáo dân cũng vậy. Các chính sách của nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào công giáo, tuy nhiên không vì thế mà giáo dân nằm ngoài pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật thì đều bị trừng trị nhằm đảm bảo công bằng xã hội, đồng bào công giáo không nên nghe theo những kẻ xấu kích động mà có những hành vi vi phạm pháp luật. Lúc bàn tay đã nhúng chàm thì “xưng tội” hay “rửa tội” không thay thế cho việc “đền tội” được đâu.

XUYÊN TẠC

Bài “Công an Nghệ An bắt giữ người trái pháp luật” của đài RFA ngày 4/8 có viết : “Hai giáo dân Công giáo thuộc Giáo họ Trại Gáo xứ Mỹ Yên bị bắt hồi ngày 27 tháng 6 vừa qua là ông Ngô Văn Khởi, 53 tuổi và ông Nguyễn Văn Hải 43 tuổi. Ông Ngô Văn Khởi từng là một thành viên trong Ban Hành Giáo của giáo xứ và ông Nguyễn Văn Hải hiện là một giáo lý viên của giáo xứ. Cả hai bị cơ quan chức năng bắt khi họ đang trên đường đi công việc của bản thân, và mãi đến hơn một tuần lễ sau đó gia đình mới nhận được thông báo đề ngày 28 tháng 6 của cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng”. 1 trang web trong nước đăng tải các nội dung về Công giáo nhận định việc bắt giữ 2 giáo dân trên là “bắt cóc theo hình thức khủng bố”, “bí mật bắt không có lý do và không thông báo cho người thân”. Xét thấy, các kênh thông tin trên đều nhằm vào cụm từ “bắt người trái phép”, vậy như thế nào là bắt người hợp pháp ?

SỰ THẬT

Trước hết phải khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của hai giáo dân này là quá rõ ràng. Ngày 22/5/2013, hai đối tượng này đã cùng với một số đối tượng quá khích hô hoán, kích động đám đông bao vây, đánh đập người gây thương tích một cách vô cớ và đập phá gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng tại nhà anh Đậu Văn Sơn ở xã Nghi Phương - huyện Nghi Lộc. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự với 4 tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “Hủy hoại tài sản ” và “Cố ý gây thương tích ”. Khi bắt giữ các bị can, cơ quan chức năng đã tiến hành đúng theo quy định của Điều 80, Luật Tố tụng hình sự về “bắt bị can, bị cáo để tạm giam ”, như “ có lệnh bắt bị can của thủ trưởng cơ quan điều tra ”, “khi tiến hành bắt người tại nơi khác có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”... Như vậy, việc bắt 2 giáo dân có hành vi vi phạm pháp luật như trên không thể gọi là “bắt người trái phép”.

Việc hàng trăm giáo dân kéo đến trước trụ sở UBND xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) la ó, gây rối làm gián đoạn cuộc họp quân dân chính mở rộng do Chính quyền xã Nghi Phương tổ chức. Hơn thế nữa, những giáo dân này còn dùng đá, gậy gộc và nhiều loại hung khí (được chuẩn bị trước) tấn công các cán bộ và người dân có mặt ở trụ sở xã tại thời điểm này, khiến nhiều người bị thương nặng. Xét thấy đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng có tổ chức. Nếu chỉ vì đồng bào công giáo gây áp lực mà chính quyền thả người vi phạm thì chẳng phải pháp luật đã bị xem nhẹ. Và sau này bất cứ ai phạm tội, chỉ cần huy động anh em họ hàng, làng xóm đến gây áp lực với chính quyền để được tự do thì còn gì là quốc pháp, là gia quy.

THAY CHO LỜI KẾT

38 năm thống nhất nhưng đất nước ta chưa một ngày được yên trước các thế lực thù địch , chúng luôn tìm mọi cách để phá hoại đất nước ta thông qua âm mưu lâu dài “diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ”. Chia rẽ, kích động tôn giáo là một trong những chiêu bài thâm hiểm của bọn chúng. Thiết nghĩ bên cạnh niềm tin vào Tôn giáo thì niềm tin vào pháp luật cũng là bổn phận phải có của 1 công dân.


P/s : Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét