Cộng đồng mạng xôn xao về clip học sinh lớp 8 phát biểu "Giáo dục Việt Nam không cần cải cách nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng". Thật sự thì vụ việc này chẳng có gì đáng bàn. Em là một công dân, em có quyền phát biểu ý kiến và suy nghĩ của em. Nhưng những lời em nói, thật sự nó không có gì mới mẻ, chỉ là em dùng những từ ngữ nặng nề hơn (dù chưa chắc em đã hiểu hết những điều mình nói) để nói những điều tương tự mà báo chí đã viết. Hay nói cách khác thì em chỉ lặp lại những gì em đọc được. Người ta bảo nhân tài thì không đợi tuổi, tuy nhiên em mới chỉ là một học sinh lớp 8, có nghĩa là tính đến thời điểm hiện tại em mới đi học được 7 năm + vài ngày. Với "7 năm kinh nghiệm" ngồi trên ghế nhà trường của mình thì em vẫn còn quá nhỏ để nhận xét "những cải cách từ xưa đến nay không đạt được kết quả gì".
Chúng ta không phủ nhận giáo dục Việt Nam còn nhiều yếu kém, cần phải cải cách. Mà nhóm Cánh Buồm là một nhóm đi tiên phong, bao gồm nhiều bạn trẻ có tâm huyết, say mê nghiên cứu về giáo dục với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho nền giáo dục Việt Nam. Đó là những điều quý giá, đáng trân trọng. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ cũng mới chỉ nằm trên giấy, chưa đi vào cuộc sống và nói thẳng ra là chưa được kiểm nghiệm trên thực tế để khẳng định rằng nó là sự "cải tiến" hay "cải lùi". Hơn nữa những vấn đề của cuốn sách do nhóm Cánh Buồm soạn thảo đã vấp phải nhiều phản biện của các nhà khoa học. Vì vậy để nói "Giáo dục Việt Nam có thể đi theo đường lối của nhóm Cánh Buồm" thì e rằng hơi sớm.
Đất nước cần những người dám mạnh dạn phát biểu ý kiến như em. Ý kiến của em cần được lắng nghe và tiếp thu, nhưng tung hô thì có lẽ là hơi quá. Những trường hợp như em không thiếu. Và người ta mượn lời các em để ném đá giấu tay cũng nhiều. Trước em còn có rất nhiều em khác làm cả vlog, clip,... với lời lẽ rất hùng hồn. Nhưng khi gạch đầu dòng liệt kê ý, thì những nội dung tuyên bố đó gần y chang nhau. Tệ hơn là cái được cho là giải pháp ấy, chỉ là những mẩu thông tin vụn vặt tìm hiểu qua loa đại khái. Các em có tâm, điều ấy rất đáng hoan nghênh nhưng nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại. Bên cạnh cái tâm, các em cần có kiến thức về những thứ mình sẽ nói. Phê phán rất dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng tìm giải pháp để khắc phục thì đâu có dễ.
Tôi tin rằng những người làm trong ngành giáo dục thừa biết những vấn đề nội tại của ngành. Và cũng nhiều người đang loay hoay tìm giải pháp lâu nay rồi. Từ việc đầu tư sách, vở, dành thời gian đọc tài liệu, kinh nghiệm giảng dạy thực tế, chia sẻ trong cộng đồng sư phạm,... Những người làm trong ngành biết nhiều hơn những gì họ nói. Họ biết được những ràng buộc nào khiến cho việc triển khai ý tưởng này thì không được, triển khai ý tưởng khác thì ổn hơn. Và khi phê phán thì họ phê phán đúng trọng điểm và chỉ ra được cách khắc phục. Có lẽ cách phê phán của họ không làm người ta cảm thấy "sướng cái lỗ tai" nên dù là giáo sư, tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành nhưng lại không được quan tâm và biết đến bằng một cậu học sinh lớp 8.
Như chia sẻ của nhà báo Đức Hiển: "Mình xem cái clip về cậu học trò lớp 8 nói về giáo dục vì nhiều người share nó quá. Có bạn còn bảo: "đến trẻ con nó còn nhìn ra sự thối nát của ngành giáo dục mà sao quan chức không nhìn ra?", "Đất nước về đâu khi quan chức ấu trĩ và đầu đất như thế?".Mình không share vào đây vì mình ớn ghê cả răng. Mình ghê răng không phải vì cái ngành giáo dục "thối nát". Mình ghê bởi sự hả hê đầy cơ hội của người lớn. Họ hân hoan khi một cậu học trò nhỏ hơn con nhà mình nói một điều hợp khẩu vị chửi của họ và dùng nó làm đá, làm đạn để bắn ném vào nơi họ cần công kích."
Sau những phát ngôn của em, có lẽ ông Phạm Toàn, ông Nguyễn Huệ Chi (đồng chủ trang Bauxite Việt Nam - trang blog đăng tải nhiều bài viết chống phá nhà nước Việt Nam) cùng một vài vị "nhân sĩ trí thức" hoạt động trong "Làng dân chủ Việt là những kẻ ha hê nhất. Đây cũng là những người luôn mơ ước về một cuộc cách mạng màu nhằm biến Việt Nam trở thành một Ukraina, bất ổn như Lybia hoặc bạo loạn như Ai Cập. Còn gì hả hê hơn khi một cậu nhóc đứng lên nói về "cách mạng", với sự chia sẻ chóng mặt của cộng đồng mạng, họ có căn cứ để tin rằng đây sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng màu sắp tới ở Việt Nam.
Cuối cùng, xin mượn lời của nhà báo Đức Hiển thay cho lời kết "Giáo dục của ta đầy khiếm khuyết, không có nghĩa là một ông oắt có thể nói vơ đũa như đúng rồi rằng nó thối nát. Nếu đó là suy nghĩ thật của cậu bé, thì những người lớn bình tĩnh và có trách nhiệm với trẻ con cần nói cho cậu hiểu nói thế là vội vã, là không được. Vì còn quá nhiều điều cậu chưa đủ hiểu để mà nói với nội dung ấy, thái độ ấy. Vỗ tay, trước tiên là sự thoả mãn hằn học của người lớn, thứ nữa là "giết chết" trẻ con. Khi nó không hiểu hết mà vẫn quen phán xét cả hệ thống giáo dục và được cổ vũ, thì nó không thấy cần phải học hành gì ở cái nền giáo dục "thối nát" ấy. Mà khi học trò không thèm học cũng không muốn nghe thầy cô, chưa nói đến kiến thức, nó đã tự cho mình cái quyền đứng ra ngoài các quy chuẩn và quy luật ứng xử chung và văn minh. Thế thì đời nó về đâu ?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét