Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

ĐIỂM CỘNG !


Kỳ thi tuyển sinh đại học đang ở vào giai đoạn nóng hơn bao giờ hết khi vị trí trên bảng xếp hạng thay đổi từng ngày, từng giờ. Thí sinh hồi hộp, người nhà lo lắng còn cộng đồng mạng thì rực lửa với những luồng quan điểm trái chiều về cái gọi là điểm cộng hay còn gọi là điểm ưu tiên.
Như chúng ta đã biết, học sinh nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, con thương bệnh binh, liệt sĩ, gia đình chính sách…được cộng điểm khuyến khích khi thi đại học, số lượng điểm cộng tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng thí sinh. Tôi khẳng định đây là một chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước. Đây không phải là “điểm ban ơn”, hay “lễ hội tri ân, event ban phát ân huệ với SỐ LƯỢNG LỚN”, nó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là lá lành đùm lá rách.
Bạn bảo rằng kỳ thi đại học là để tuyển chọn nhân tài vì vậy cần phải công bằng. Nhưng có công bằng không khi bạn nhìn vào một vài thành phần tiêu cực để đánh giá toàn bộ thí sinh được cộng điểm. Bạn có công bằng không khi lấy khó khăn của thành phố rồi mang ra so sánh với khó khăn của vùng cao. Rất đồng ý với bạn rằng không có con đường nào trải thảm đỏ, học sinh thành phố cũng có khó khăn, cũng có học sinh nghèo vượt khó, cũng có người phải lăn lộn mưu sinh, nhưng số ấy chiếm bao nhiêu phần trăm. Thành phố cũng có khó khăn, nhưng có khó khăn bằng những học sinh vùng cao không ? Bạn có trung tâm này, lò luyện kia, có gia sư này, có học thêm kia, còn họ có gì ? 14 tuổi rời gia đình đi học nội trú ở những căn chòi dựng tạm, với một buổi đi học, một buổi vào rừng kiếm măng. Những em bé đi 4 tiếng đồng hồ đường rừng núi (nếu trời mưa thì…ôi thôi) với cái cặp lồng toàn cơm trắng với măng rừng. Những thầy cô giáo mỗi tuần 1 lần băng rừng vượt núi, đi cả ngày đường xuống xuôi để mua gạo, mua thịt cho học sinh. Những phòng học lớp lá trống huơ trống hoác vài bộ bàn ghế cũ mèm cùng những bộ sách vỏ được tặng giờ đã không thể nát hơn vì đã trải qua không biết bao nhiêu đời học sinh. Vào mùa đông, những tấm phên nứa không ngăn được những gió lạnh vùng sơn cước len lỏi vào từng lớp học, thầy trò phải đốt lửa giữa lớp để sưởi ấm…. Chất lượng dạy và học ở đó so với thành phố như thế nào chắc bạn đã tự hình dung ra được.
Vùng cao cũng có “đại gia phố núi”, vậy tôi hỏi bạn, số lượng đại gia ấy được mấy người mà bạn mang ra so sánh ? Bạn bảo rằng khi bố A cầm súng ra chiến trường, bố bạn cũng ở nhà lao động, đóng góp nuôi tiền tuyến. Không ai quên công sức đóng góp của hậu phương nhưng bạn có biết để bố bạn ở nhà yên tâm lao động (và rồi sau này sinh ra bạn) thì bố A đang hứng đạn ở ngoài kia, rất có thể bác ấy sẽ không bao giờ về nữa, hoặc về với thân thể không còn lành lặn. Sống với một người cha khỏe mạnh, đầy đủ hạnh phúc hay sống cảnh mồ côi hạnh phúc ? Rồi bạn so sánh cùng được 23 điểm, nhưng bạn trượt, người ta đỗ vì bạn không có điểm cộng còn người ta có. Nói thật với bạn, ở thành phố, dù là nhà bạn nghèo nhưng với cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục ở thành phố mà đi thi chỉ bằng điểm của những đứa học sinh vùng cao phải vừa học vừa làm trong điều kiện không thể tồi tàn hơn thì bạn cũng chẳng có cái tài cán gì.
Diện tích Việt Nam có ¾ là đồi núi, nhưng dân tộc Kinh chiếm tới hơn 80% dân số, và dĩ nhiên dân cư tập trung ở đồng bằng, đô thị, vùng núi, vùng cao, biên cương chỉ có dân tộc thiểu số. Vậy bạn dựa vào số liệu gì để khẳng định ¾ thí sinh đi thi được cộng điểm ? Thôi đừng tị nạnh với những người kém may mắn hơn mình, trong số những thí sinh bạn đang chỉ trích, có rất nhiều người là học sinh vùng cao, chính họ và gia đình họ đang góp phần ngày đêm bảo vệ biên cương tổ quốc. Trong số những thí sinh bạn đang chỉ trích, bố bạn ấy là thương binh 81%, bác ấy đã để lại nhiều phần cơ thể mình nơi chiến trường để cho bạn ngày hôm nay được sống trong hòa bình độc lập, còn bạn ấy vừa đi học, vừa kiếm tiền nuôi gia đình, làm trụ cột thay bố. Và biết đâu, nếu không cầm súng bảo vệ quê hương, không bị thương thì giờ này bác ấy đã là một doanh nhân thành đạt và bạn ấy cũng không phải khổ như bây giờ. Đừng so bì với những người kém may mắn hơn mình, nếu bạn thực sự giỏi với điều kiện học tập ở thành phố, bạn hãy xuất sắc hơn hẳn người ta, để người ta dù có được cộng vài điểm cũng đuổi không kịp bạn.
Tiêu cực là có, chuyển vùng, chuyển sang dân tộc thiểu số, làm giả giấy tờ chứng nhận thương binh cũng có, nhưng chính phủ, nhà nước mà cụ thể hơn là bộ giáo dục sẽ phải đề ra phương án để khắc phục để đảm bảo công bằng giữa thành phố, nông thôn và vùng cao. Và nếu không thể khắc phục được, tôi nghĩ bạn nên kiến nghị năm tới nên bỏ điểm cộng và chuyển địa điểm thi về vùng cao để các bạn "thành phố" nếm trải cảm giác chật vật đi thi, được cắm trại ngoài bờ ruộng, bìa rừng, rồi sáng sáng ăn củ mì đi thi vì ở đó có tiền cũng chẳng có đồ mà mua đâu. Ok vậy nha ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét