Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

TOÀN CẢNH VỤ VIỆC TÀU CÁ CỦA NGƯ DÂN VIỆT NAM BỊ TẤN CÔNG


      Khoảng 12 giờ, ngày 11-9 vừa qua, tàu cá có số hiệu KG94811 TS và KG94812 TS đang đánh bắt tại vùng biển chồng lấn giữa ba nước Việt Nam, Thái-lan và Malaysia, thì xuất hiện một tàu cano cao tốc, trên tàu có từ 6 đến 7 người mặc đồ đen, có trang bị vũ khí. Khi phát hiện tàu lạ, 2 tàu cá trên đã chặt cào và bỏ chạy. Tàu cano lạ liền đuổi theo tàu KG94811 TS. Trong khi đuổi, qua bộ đàm một người trên tàu cano nói bằng tiếng Việt "Tàu Việt Nam dừng lại, không dừng lại sẽ bắn chết". Vừa nói tàu cano vừa đuổi bắn vào tàu KG94811 TS. Khoảng 15 phút sau, thuyền trưởng Nguyễn Hùng Cường bị trúng đạn vào đùi phải, nhưng ông Cường vẫn tiếp tục lái tàu hướng về vùng biển Việt Nam. Tàu cano không tiếp tục đuổi tàu KG94811 TS mà quay lại đuổi và bắn tàu KG94812 TS. Khoảng 10 phút, tàu cano quay sang đuổi và bắn tàu KG94059 TS. Hai tàu KG94811 TS và KG94812 TS chạy thoát, đến ngày 12-9 về đến Sông Đốc (Cà Mau).

Tương tự, khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, tàu KG94005 TS và KG9376 TS đang đánh bắt tại vùng biển chồng lấn giữa ba nước Việt Nam, Thái-lan và Malaysia đã bị tàu cano trên đuổi bắn. Ngư phủ Trần Văn Sang bị trúng đạn vào đùi chân trái. Sau khi bắt được tàu KG94005 TS, những người trên tàu cano đã trói các thủy thủ tàu cá, đồng thời đánh thuyền trưởng bằng báng súng. Họ đã lấy đi tất cả những thiết bị trên tàu, vật dụng có giá trị của ngư phủ; bắt thuyền trưởng tàu cá sang tàu cano và lái tàu KG94005 chạy về hướng vùng biển Thái-lan.

Sau đó, tàu cano này tiếp tục truy đuổi và bắn hai tàu cá KG94059 TS và KG94058 TS. Khiến thuyền trưởng tàu KG94059 TS là anh Ngô Văn Sinh chết tại chỗ. Khi phát hiện đã bắn chết người, tàu cano đã quay lại thả tàu KG94005 và các thủy thủ về Việt Nam. Ngày 14-9, các tàu này về đến đồn Biên phòng Tây Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).

Đến chiều ngày 15/9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã có kết luận điều tra chính thức về sự việc kể trên. Qua công tác điều tra đã phát hiện 3 cặp tàu cá của Việt Nam đã xâm phạm hải phận Thái Lan khoảng 27 hải lý. Khi phát hiện có tàu của lực lượng chức năng Thái Lan mang số hiệu Thai Police 528, các tàu cá Việt Nam đã chặt cào và bỏ chạy. Tàu Thai Police 528 đã vừa phát loa yêu cầu tàu cá Việt Nam dừng lại vừa nổ súng tấn công, làm một người chết, hai người bị thương, hư hại tàu, lấy đi nhiều tài sản trên các tàu. Đây là hành vi vô nhân đạo và vi phạm luật pháp quốc tế. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã đề nghị Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo vụ việc lên trên để giải quyết thông qua đường ngoại giao, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Do chưa có thông tin điều tra chính thức nên trước đó, khi đăng bài về những sự việc trên, các tờ báo Việt Nam đã gọi tàu cano của Thái Lan là “tàu lạ”, cá biệt có một số báo còn gọi là “tàu cướp biển”. Cách sử dụng từ dễ gây nhầm lẫn kể trên đã tạo ra một luồng dư luận không tốt, ảnh hưởng lớn đến quan hệ ngoại giao quốc tế.

Cần nói thêm là trên phương diện ngoại giao quốc tế, chúng ta không thể tùy tiện kết tội bất cứ quốc gia nào khi chưa có bằng chứng cụ thể. Trước sự việc ngư dân Kiên Giang bị tấn công, nhiều anh hùng bàn phím đã vội vã kết luận, “tàu lạ” ở đây là tàu Trung Quốc, đồng thời lên án chính phủ Việt Nam không đủ khả năng bảo vệ ngư dân, yêu cầu trang bị vũ khí cho ngư dân. Trong khi thực tế thì ngư dân của chúng ta vì mải đi theo luồng cá nên đã xâm phạm lãnh hải của quốc gia khác, đồng thời có hành vi bỏ chạy khi bị bắt. Vì vậy chúng ta cần có cái nhìn tổng quát, và bình tĩnh trước khi kết luận hay đánh giá về những sự việc có liên quan đến quốc gia khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét