Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM



BIỂN VIỆT NAM

Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông đất nước. Biển đảo đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước ta.

+ Trong lĩnh vực kinh tế, chính trị- xã hội:

- Biển Đông là vùng biển có một trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới (sau Địa Trung Hải). Là tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch mang tính chiến lược của các nước trong khu vực và thế giới; nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Âu, Trung Đông với châu Á và giữa các nước châu Á với nhau; Hàng ngày có khoảng 200-300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại (không kể dưới 5.000 tấn) chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Nằm án ngữ trên con đường hàng hải và hàng không huyết mạch này, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để trao đổi hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) sẽ cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền của Tổ quốc một cách nhanh chóng và thuận lợi. 

- Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ khí đốt. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bề trầm tích có triển vọng dầu khí với trữ lượng dự báo khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỉ tấn, đặc biệt khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác.

- Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm cua, mực, hải sâm, rong biển,… Dọc ven biển còn có hơn 80 vạn héc-ta bãi triều và các eo vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng hải sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá song, cá mú, rong câu… 
- Dọc bờ biển nước ta đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Lạch Huyện, Đình Vũ, Cát Hải, Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải,… Hiện nay nước ta có trên 100 cảng biển và 10 khu chuyển tải hàng hóa, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống các cảng biển.

+ Trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng:

- Biển nước ta được ví như mặt tiền, sân trước, cửa ngõ quốc gia; biển, đảo, thềm lục địa và đất liền hình thành phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Từ nhiều năm nay, nhất là vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay trên Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp biển, đảo rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, tác động tới quốc phòng và an ninh của nước ta. Đây là vấn đề nan giải mà chúng ta phải đối mặt và tìm ra cách thức giải quyết hợp lý giữa các bên trong tương lai để cân bằng lại tình hình ổn định, tạo điều kiện cho ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển, đảo, nhất là ở vùng biển xa và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. 

Quần đảo Hoàng Sa nằm trong kinh độ 1110 ¬¬ đến 1130 Đông, vĩ độ 15045’; đến 17015’, ngang với vĩ độ Huế và Đà Nẵng. Hoàng Sa nằm ở phía Bắc Biển Đông, trên đường biển quốc tế từ Châu Âu đến các nước phía Đông và Đông Bắc Á và giữa các nước Châu Á với nhau.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo trong vùng biển rộng khoảng 15.000 km2 chia ra làm 2 nhóm: Nhóm phía Đông có tên là An Vĩnh, gồm khoảng 12 đảo nhỏ và một số đảo san hô, Trong đó có 2 đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng 1,5km2 ; nhóm phía Tây gồm nhiều đảo xếp vòng cung nên gọi là nhóm lưỡi liềm, trong đó có các đảo Hoàng Sa (diện tích 1km2) Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hoà, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn…Riêng đảo Hoàng Sa có trạm khí tượng của Việt Nam hoạt động từ năm 1938 đến 1947, được tổ chức khí tượng quốc tế đặt số hiệu 48-860 (số 48 chỉ khu vực Việt Nam). Hoàng Sa nằm trong vùng "xích đạo từ" có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển. Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, cây cối um tùm, vô số chim và đặc biệt là có nhiều rùa biển sinh sống. 
Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 gọi là xã Định Hải, quận Hoà Vang tỉnh Quảng Nam. Năm 1982 chính phủ ta quyết định thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Nay trở thành huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.
Năm 1956 Trung Quốc chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Tháng 1/1974, trong lúc quân và dân ta đang tập trung sức tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc đã đem quân ra đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam. Trường Sa là nơi đầu tiên trên đất nước ta đón bình minh khởi đầu ngày mới. Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi san hô nằm trải rộng trong một vùng biển khoảng 180.000 km2 với chiều Đông Tây là 325 hải lý, chiều Bắc Nam là 274 hải lý, từ vĩ độ 6o30’ Bắc đến 12o Bắc và từ kinh độ 111o30’ Đông đến 117o27’ Đông, cách Cam Ranh 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 595 hải lý.
Quần đảo Trường Sa được chia làm 10 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bãi Vũng Mây, Bãi Hải Sâm, Bãi Lim, Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao 4 đến 6 mét lúc triều xuống); Ba Đình là đảo rộng nhất (0,6km2) trong quần đảo.

Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng này rất khắc nghiệt: nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhiều đảo không có cây. Quần đảo Trường Sa không chỉ là vị trí quân sự chiến lược án ngữ phía Đông Nam nước ta, bảo vệ vùng biển và hải đảo ven bờ, mà còn là một vùng có trữ lượng lớn phốt phát khá lớn, có nhiều loại động thực vật và có thể có nhiều dầu.
Quần đảo Trường Sa (tên quốc tế bằng tiếng Anh là "Spratly islands") nằm ở khu vực chính giữa của Biển Đông ( tên quốc tế bằng tiếng Anh là "South China Sea") với tổng diện tích vùng biển liên quan khoảng 160.000 - 180.000 km2 (trong đó phần luôn nổi trên mặt biển khoảng 5 km2).
Quần đảo Trường Sa là tập hợp của 129 thực thể địa lý (đã được xác định và đặt tên bằng tiếng Việt và tên quốc tế bằng tiếng Anh) gồm các đảo (island) và cồn cát san hô (cay), rạn san hô (reef) đa số dạng vòng Antom trên miệng núi lửa cổ đại đã tắt, bãi đá san hô (shoal) dạng bãi cạn (một phần nổi) và bãi ngầm (phần đỉnh gần tới mặt biển).
Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có 5 bên đang kiểm soát 47/129 thực thể địa lý nêu trên, bao gồm: Việt Nam (21 thực thể với 7 đảo và cồn cát), Phi líp pin (10 thực thể với 7 đảo và cồn cát), Malaysia (7 thực thể đều là rạn san hô), Trung Quốc (7 thực thể đều là rạn san hô) và Đài Loan (2 thực thể với 1 đảo).
 
Việt Nam là quốc gia đầu tiên chính thức tuyên bố với quốc tế về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo trong lịch sử và hiện nay cũng đang thực hiện chủ quyền, kiểm soát hợp pháp và có công dân sinh sống lâu dài trên các khu vực và thực thể địa lý chủ chốt của quần đảo với số lượng vượt trội so với các bên khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét