Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Về việc máy bay Trung Quốc “xâm phạm không phận” Việt Nam.

Khi đưa tin về việc máy bay Trung Quốc đi vào vùng thông báo bay TP.HCM mà không thông báo, một số tờ báo đã giật tít "máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Việt Nam" khiến cho dư luận thắc mắc sao ta không cho chiến đấu cơ lên ép hạ cánh hoặc bắn hạ. Các sửu nhi thì phán 1 câu xanh rờn "quan ngại nhưng dân không ngán", một số khác nhai lại luận điệu của bọn phản động "Việt Nam hèn với Trung Quốc"....bla....bla.... khi chính phủ Việt Nam chỉ phản đối và cảnh báo phía Trung Quốc đồng thời gửi thông tin cho ICAO để xử lý theo Luật Hàng không Dân dụng Quốc tế chứ không có những "động thái quyết liệt" như cho tiêm kích lên ép hạ cánh hoặc bắn hạ giống như Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga.

Về việc này chúng ta cần phải hiểu rõ vùng thông báo bay (FIR) và không phận (airspace) là hai chủ thể hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Vùng Thông tin bay hay Vùng Thông báo hướng dẫn bay (Flight Information Region - FIR) là khoảng không bao trùm toàn cầu được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế ( International Civil Aviation Organization - ICAO) vạch ra, chia thành nhiều vùng khác nhau và phân bổ lại cho các quốc gia để quản lý và khai thác thương mại. Bản chất của FIR là một khu vực để khai thác quyền thương mại, theo đó quốc gia được giao FIR sẽ cung cấp dịch vụ thông báo bay và điều tiết hàng không dân dụng trong vùng FIR mà mình quản lý, mọi phương tiện bay hàng không dân dụng đều phải thông báo và trả phí sử dụng dịch vụ thông báo bay của quốc gia quản lý FIR.

Máy bay đi qua FIR cần phải cung cấp thông tin để trạm điều khiển không lưu điều tiết đường bay nhằm tránh va chạm với các máy bay khác. Ngoài ra máy bay khi bay qua FIR còn được cung cấp dịch vụ thông tin bay và dịch vụ báo động khi cần thiết. Đây là những mức dịch vụ cơ bản cho máy bay nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho việc điều hành những chuyến bay một cách an toàn và hiệu quả, cũng như để báo động cho các cơ quan có trách nhiệm khi một máy bay cần cứu trợ hay bị tai nạn để tìm kiếm cứu nạn.

Nhìn trên bản đồ, các bạn sẽ thấy rõ FIR Hà Nội bao trùm lên lãnh thổ phía Bắc Việt Nam và phần Vịnh Bắc Bộ thuộc về Việt Nam. FIR TP.HCM bao trùm lên lãnh thổ phía Nam Việt Nam bao gồm cả vùng hải phận quốc tế cũng như cả một phần vùng trời Lào và một phần vùng trời Campuchia.



2. Không phận là bầu trời do một quốc gia kiểm soát bao phủ lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia đó. Theo luật quốc tế thì không phận chủ quyền ăn khớp với lãnh thổ, lãnh hải và nội hải của một quốc gia, tức không gian trên đất và 12 hải lý dọc bờ biến. Không phận nằm ngoài vùng lãnh hải và lãnh thổ được coi là không phận quốc tế, tương đương với hải phận quốc tế.

Như vậy các chuyến bay của Trung Quốc chỉ bay qua FIR TP.HCM nhưng là bay qua vùng trời quốc tế nên họ KHÔNG XÂM PHẠM VÙNG TRỜI của Việt Nam mà chỉ vi phạm nghĩa vụ thông báo bay trong Luật Hàng Không Dân dụng Quốc tế, thuộc thẩm quyền phán xử của ICAO. Vì vậy việc chính phủ Việt Nam gửi thông báo đến ICAO là hoàn toàn phù hợp.

3. Tại sao không cho tiêm kích lên ép hạ cánh hay bắn hạ như Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga ?

Cần phân biệt rõ việc máy bay Trung Quốc xâm nhập FIR của Việt Nam hoàn toàn khác với việc chiến đấu cơ của Nga (chưa rõ có xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không) bị bắn hạ.

Thứ 1: Máy bay của Nga là chiến đấu cơ, còn máy bay Trung Quốc là máy bay dân dụng.

Thứ 2: Chúng ta có quyền cho tiêm kích lên ép hạ cánh hoặc bắn hạ bằng nhiều cách khác nhau khi máy bay nước ngoài vi phạm KHÔNG PHẬN của Việt Nam trong trường hợp đã cảnh báo nhiều lần mà không chịu ra. Nhưng nếu như máy bay nước ngoài chỉ xâm nhập FIR mà không thông báo, chúng ta chỉ có thể phát tín hiệu yêu cầu họ báo cáo, chứ không được sử dụng không quân và phòng không. Trong trường hợp này mọi động thái quân sự đều bị coi là gây hấn. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Việt Nam trên trường Quốc tế.

Vụ việc này cũng giống như việc tàu dầu khí Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ở khu vực tây nam đảo Phú Quý (Bình Thuận), cách đảo vào khoảng 20 hải lý và bờ chừng 40 hải lý (nằm giữa bờ và đảo) hồi tháng 6/2015. Khi ấy chúng ta cũng chỉ có thể cử tàu ra giám sát và theo dõi vì tàu Trung Quốc di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) - vùng tự do đi lại của quốc tế, chúng ta chỉ có quyền tài phán và tự do khai thác.

Tất nhiên, việc cho máy bay đi vào FIR mà không xin phép cũng là một hành động khiêu khích. Nhưng nó không đủ lý do để có thể sử dụng các lực lượng quân sự.

Chiến tranh không phải trò đùa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét